Gia đình mới

Nghịch bật lửa, bé gái 4 tuổi bị bỏng nặng

  • Tác giả : Thúy Nga
Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An điều trị khoảng 50 bệnh nhân, trong đó có từ 10 đến 15 bệnh nhi bị bỏng các loại. Nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn của phụ huynh, không để ý tới con nhỏ.

​Ngày 22/10, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết đã tiếp nhận một trường hợp bỏng nặng do lửa cháy. Bệnh nhân là cháu N.H.Y (4 tuổi, trú tại xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu ).

​Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tổn thương bỏng vùng mặt cổ, ngực bụng, tay phải, trên nền tổn thương có màng thuốc thầy lang đắp đang bám, nhiều dịch và giả mạc. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn, kết luận bệnh nhi bị bỏng nhiệt khô 20% độ III, IV.

​Gia đình cháu Y. cho biết, trong lúc bất cẩn không để ý đến, cháu Y. chơi đùa với lửa cùng que diêm và bị cháy bén vào áo. Phát hiện sự việc, gia đình lập tức chạy đến dập lửa và đưa bé tới thầy lang gần nhà đắp thuốc điều trị.

Trẻ xuất hiện co giật, gia đình tức tốc đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Quang Thành cấp cứu. Do bị bỏng quá nặng, bệnh nhi được chuyển vào khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, ngày 30/9.

Thăm khám cho bệnh nhi bị bỏng nặng do nghịch bật lửa - Ảnh BVCC

Thăm khám cho bệnh nhi bị bỏng nặng do nghịch bật lửa - Ảnh BVCC

​Tại đây, bệnh nhi được điều trị kháng sinh truyền dịch, nâng cao thể trạng và được chỉ định phẫu thuật cắt lọc những phần bị hoại tử và ghép da tự thân.

​Sau khi được ghép da lần thứ nhất, cháu Y. được theo dõi sát sao, chăm sóc đặc biệt. Mỗi tuần, khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng ghép da tự thân cho cháu 1 lần.

​TS.BS. Thái Văn Bình – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đây là trường hợp bị bỏng lửa nặng. Vết bỏng chủ yếu ở những vị trí cực kỳ nguy hiểm. Nếu bệnh nhi không được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

​“Trung bình mỗi ngày, khoa Chấn thương Chỉnh hình – Bỏng điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân, trong đó có từ 10 đến 15 bệnh nhi bị bỏng các loại. Nguyên nhân chủ yếu do sự bất cẩn của phụ huynh, không để ý tới con nhỏ”, TS. Bình cho biết.

"Trường hợp này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh, cần quan tâm cẩn thận hơn khi chăm sóc con nhỏ.

Để các vật dụng nóng sôi, các chất dễ cháy, các chất sinh lửa, đồ điện ở nơi an toàn ngoài tầm với của trẻ nhỏ để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với con trẻ" - ​TS. Bình khuyến cáo

Thúy Nga