Giáo dục

Nên công khai danh tính thí sinh, phụ huynh vụ gian lận thi cử

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - “Theo tôi, công khai danh tính thí sinh sai phạm mới là nhân văn. Sau cú vấp ngã, các em sẽ trưởng thành, lớn lên. Còn bao che, dung túng, để các em trở thành người xấu, thì đó chính là làm hại các em, đó không phải là nhân văn!”, GS.TS.AHLĐ- Đại biểu QH Nguyễn Anh Trí bày tỏ quan điểm.

GS.TS.AHLĐ - Đại biểu QH Nguyễn Anh Trí.

Việc gian lận ngàn năm có một

Sự việc gian lận thi cử, đặc biệt là việc một loạt các thủ khoa trường đại học hóa ra đều là do nâng điểm... đã khiến dư luận  phẫn nộ. Giáo sư có suy nghĩ gì trước những thông tin đó?

Tôi vừa mới đi tiếp xúc cử tri ở Long Biên, Đông Anh. Cử tri phản đối gay gắt rằng, chưa bao giờ họ thấy một sự việc trầm trọng như vậy.

Gian lận nặng nề với hàng trăm người được sửa điểm, xảy ra trên nhiều tỉnh, với sự nâng điểm rất lớn 5 – 7 điểm, thậm chí hàng chục, có trường hợp hơn 20 điểm cho 3 môn.

Không thể tưởng tượng nổi. Cử tri nói, đây có thể coi là vụ gian lận thi cử chưa từng có trong cả ngàn năm qua.

Với tư cách người làm công tác giảng dạy hơn 30 năm, vừa là đại biểu Quốc hội tôi cảm thấy rất buồn, đau lòng và bức xúc vô cùng.

Dư luận đã có những luồng tranh luận trái chiều xung quanh việc có nên công khai danh tính thí sinh, phụ huynh sai phạm. Quan điểm của Giáo sư thế nào?

Vừa rồi trên báo chí đã công khai số điểm, thí sinh gian lận, tôi cho là việc cần làm, tuy nhiên chưa đầy đủ.

Theo tôi, công khai tên thí sinh là nên, nhưng quan trọng hơn là cần phải công khai danh tính tên phụ huynh của thí sinh có gian lận điểm.

Cần kiểm tra thật cẩn trọng, chính xác và rồi công khai một cách triệt để, rõ ràng.

Việc công khai đó liệu có làm mất đi tính nhân văn, đặc biệt với các thí sinh không, thưa Giáo sư?

Trước hết, cần phải làm rõ khái niệm thế nào là nhân văn? Bao che cái xấu là nhân văn à? Xin đừng dùng ngôn từ mỹ miều để bao che, dung túng cho cái xấu.

Là một thầy thuốc, tôi biết rõ, bệnh nhân có bệnh thì cần phải uống thuốc. Thuốc không đắng sao? Mổ xẻ không đau sao? Nhưng muốn khỏi bệnh, có cơ thể khỏe mạnh thì phải chấp nhận uống thuốc đắng, mổ xẻ đau đớn.

Với việc gian lận trong thi cử, tôi cho rằng đây cũng là một loại “bệnh tật” của xã hội thì cần phải cắt bỏ, cho dù đau đớn.

Với tôi, việc công khai danh tính thí sinh sai phạm mới chính là nhân văn.

Vì sao Giáo sư lại nói vậy?

Bởi giờ các em có thể buồn, đau đớn. Nhưng khi vượt lên cú vấp ngã này, các em sẽ lớn lên, trở thành con người tốt. Còn nếu được bao che, dung túng, tôi chắc chắn rằng, các em không thể là người tốt, mà thậm chí, sẽ tiếp tục, không chùn tay khi làm việc xấu sau này vào đời. Như vậy mới là làm hại các em, là phi nhân văn.

Chưa kể, Đảng, Nhà nước ta đang quyết tâm phòng chống tham nhũng, không có vùng cấm, không một tên tuổi nào vi phạm mà không công khai. Vậy thì vì sao chuyện này không thể công khai? Điều này còn là trái với chủ trương của Đảng, của pháp luật.

Việc công khai danh tính thí sinh, phụ huynh vi phạm còn là nhân văn với toàn xã hội, để xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh.

Tạo ra một thế hệ gian lận là vô cùng nguy hiểm

Theo Giáo sư, việc gian lận thi cử như thế này sẽ có những tác động như thế nào đối với xã hội?

Theo tôi, nó tạo ra vô vàn những hệ lụy. Đầu tiên, nó làm mất đi cơ hội của những thí sinh học thật, thi thật, dẫn tới mất công bằng xã hội. Cũng giống như ăn cắp tiền, bạc, tham nhũng.

Thứ hai, nó lựa chọn ra những con người không thật, không xứng đáng vào trường đại học, dẫn tới chất lượng đại học của chúng ta đi xuống.

Nó làm cho xã hội mất hết niềm tin vào giáo dục, chính quyền, vào tất cả những gì tốt đẹp.

Nhưng kinh khủng hơn cả, nó sẽ tạo ra một lớp người chỉ biết làm gian lận, sống gian lận. Những thí sinh qua được vụ này sẽ mỉm cười, coi đây như là một “thắng lợi”.

Niềm vui của sự “thắng lợi” này, sẽ ghi dấu suốt cuộc đời, khiến các em cho rằng làm việc xấu cũng chẳng sao, lại tiếp tục làm.

Và thật nguy hiểm, khi lớp người này rồi đây sẽ được giao giữ những trọng trách, thậm chí rường cột quốc gia, thì còn đe dọa tới cả sự an nguy của đất nước.

Giáo sư đánh giá như thế nào về cách xử lý của cơ quan chức năng trong vụ việc này?

Tại cuộc họp của UB thường vụ Quốc hội tôi có chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm về vụ việc này, thì hiện tại, tôi đã thấy hài lòng về thái độ quyết liệt cũng như cách xử lý tích cực của Bộ Công an.

Tuy nhiên, theo tôi, Bộ GD&ĐT chưa thể hiện được vai trò đứng đầu của mình.

Cụ thể là như thế nào, thưa Giáo sư?

Thứ nhất, lẽ ra Bộ  GD&ĐT phải thấy trách nhiệm của mình rất lớn trong việc đã để xảy ra sai phạm này và vai trò lớn trong việc xử lý sai phạm, cần: nghiêm minh, đúng mực, đúng luật.

Thứ hai, Bộ cần có trách nhiệm trong bình ổn dư luận và rút ra kinh nghiệm xương máu trong gian lận thi cử ngàn năm, để kịp thời chỉnh đốn ở kỳ thi tiếp theo và lâu dài.

Thực tế, sự vào cuộc của Bộ GD&ĐT theo tôi là chưa đạt được các yêu cầu đó.

Vừa rồi, cử tri đưa ý kiến với tôi, Bộ GD&ĐT ở vị trí trong cuộc mà như ngoài cuộc, như thể sai phạm là do dưới địa phương gây ra thôi. Như vậy là không được.

Tha thiết đề nghị bỏ cuộc thi “hai trong một”

Giáo sư có bình luận gì trước cách ứng xử của một số quan chức địa phương liên quan đến việc có con, cháu được nâng điểm?

Theo tôi, ở cương vị một người lãnh đạo, một người quản lý khi có sai phạm xảy ra trên địa bàn của mình thì cần có cư xử đúng tầm với cương vị mà mình nắm giữ. Cần thấy rõ để tiếp tục phát hiện, xử lý và giải quyết để làm cho địa phương của mình tốt hơn.

Việc đổ lỗi cho ai đó nâng điểm cho con mình, hoặc đùn đẩy trách nhiệm theo tôi là sự thiếu trách nhiệm, thiếu cả cái “tầm” của người làm lãnh đạo.

Để tránh những sai phạm trong những năm tiếp theo, theo Giáo sư cần làm gì?

Muốn tránh sai phạm, theo tôi, cần phải hiểu nguyên nhân dẫn đến sai phạm này ở đâu. Theo tôi có hai lý do:

Thứ nhất, do cơ chế: Việc nhập kỳ thi “hai trong một”, vừa là thi tốt nghiệp vừa thi đại học là kẽ hở lớn.

Thứ hai là giao việc tổ chức kỳ thi về cơ bản cho địa phương. Như vậy nguồn “cung” và“cầu”  (các phụ huynh muốn nâng điểm cho con) ở gần nhau, thậm chí có quan hệ thân quen, anh em, họ hàng, dễ khiến nảy sinh các sai phạm.

Tôi cho rằng đây là hai điểm cốt tử. Nếu không sửa thì sai phạm còn xảy ra nữa, xin đừng lạc quan sẽ khắc phục những năm sau. Tôi nghĩ, không chỉ là Bộ GD&ĐT, là Chính phủ mà cả Quốc hội cũng cần phải thấy chuyện này.

Việc tách hai kỳ thi ra, liệu rằng có gây tốn kém, lãng phí không, thưa Giáo sư?

Có những việc không bao giờ được đong đếm bằng tiền, coi là sự tốn kém. Đầu tư cho học tập là vô giá, tại sao lại tiếc tiền cho việc học?

Thi đại học là để tìm người đủ trình độ mới được vào học ở bậc học đó. Còn thi tốt nghiệp là chỉ để cấp bằng cho người có trình độ học đạt được cấp 3 phổ thông. Hai cái đó hoàn toàn khác nhau.

Để làm tốt việc thi cử, để ngăn chặn được những sai trái trong thi cử thì dù có tốn kém cũng phải làm.

Tôi tha thiết mong Quốc hội sẽ lắng nghe, tách hai kỳ thi này ra.

   Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Khi sự việc xảy ra, cũng có một số người dân ở những địa phương xảy ra sai phạm, các thầy cô giáo tâm tư, tôi muốn gửi đến cử tri lời nhắn gửi: Nhân dân cả nước không đánh đồng tất cả kẻ gây ra sai phạm với người dân là một, mà biết phân biệt ai là người xấu và người tốt. Mong muốn được công khai danh tính những người xấu gây ra sai phạm đó cũng là để những người dân chân chính khác thoải mái.

Rất mong những người dân, các thầy cô giáo chân chính tiếp tục chung tay phanh phui ra cho hết làm rõ tiêu cực sai phạm, giúp cho công cuộc giáo dục, làm cho xã hội trong sạch hơn.

Mai Loan