Thời sự

GS Nguyễn Minh Thuyết: Cần cấm thi thí sinh gian lận điểm vài năm

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, thí sinh gian lận điểm thi cần xử lý nghiêm, cấm thi ít nhất vài năm. Luật chưa có thì sửa luật.

Không công khai danh sách, sợ các thí sinh tổn thương

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Theo bản kết luận, có 64 thí sinh dính líu đến việc can thiệp điểm.

Trao đổi với báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, Bộ đã có công văn yêu cầu Sở GD-ĐT Hòa Bình theo quy định của quy chế cập nhật kết quả chấm thẩm định của 64 thí sinh lên hệ thống phần mềm quản lý thi và tiến hành xét công nhận tốt nghiệp lại. Đồng thời gửi kết quả chấm thẩm định thông báo đến các trường đại học, cao đẳng mà các thí sinh liên quan đang theo học để xử lý theo quy định.

Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn gửi tới Cục Nhà trường Bộ quốc phòng, Cục Đào tạo Bộ Công an và các trường đại học, cao đẳng để chủ động liên hệ tới Sở GD-ĐT Hòa Bình nhằm cập nhật kết quả chấm thẩm định của các thí sinh nói trên.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm là danh sách các thí sinh bị sai phạm trong vụ sửa điểm thi ở Hòa Bình vẫn được giữ kín, không công khai trước công luận. Và theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, lý do của việc giữ kín này là để tránh tổn thương cho các em, đang ở lứa tuổi 17, 18 nhạy cảm. Trong khi đó, danh sách các thí sinh sai phạm ở Hà Giang đã được công bố công khai.

Đặc biệt, trả lời báo chí sáng 17/3 tại "Ngày hội tư vấn tuyển sinh" diễn ra ở Hà Nội, đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn - Trợ lý tuyển sinh Cục Đào tạo, Bộ Công an - cho hay tất cả thí sinh trúng tuyển vào trường công an đều nhập học, trong đó có thí sinh ở Hòa Bình. Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn cho hay ông không có số liệu về thí sinh ở Hòa Bình đỗ vào các trường công an. 

Sau khi Sở GD&ĐT Hòa Bình công bố điểm chấm thẩm định, các trường công an sẽ liên hệ để lấy danh sách điểm đã thay đổi. Bộ Công an sẽ giải quyết theo đúng quy định.

Như vậy, một điều khiến dư luận bức xúc nữa là việc các thí sinh sai phạm trong gian lận điểm thi nhập học đã làm mất cơ hội của các em khác. Nếu các em dừng học, trường sẽ thiếu chỉ tiêu tuyển sinh. Trong khi, năm học đã gần trôi qua, một số trường đặc thù như trường Y cũng không thể gọi bổ sung danh sách, vì các thí sinh sẽ không thể theo kịp chương trình học với khối lượng kiến thức khổng lồ.

Diễn biến vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình. Ảnh NLĐ.

Diễn biến vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình. Ảnh NLĐ.

Đủ tuổi chịu trách nhiệm hành vi của mình

Trao đổi với KH&ĐS về việc xử lý đối với các thí sinh liên quan đến sai phạm trong việc gian lận điểm thi, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói: “Tôi cho là phải xử lý nghiêm không phải chỉ người lớn mà cả học sinh đã gian lận điểm”.

Lý giải về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, thứ nhất không thể nói các em không biết gì về việc này. Làm bài như thế nào thì tự các em phải biết. Nhất là bài trắc nghiệm, điểm của mình ra sao các em phải tự chấm được.

Thứ hai là vụ việc này do những người lớn tổ chức. Nhưng ít nhất là với sự đồng thuận của các em, thì các em phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, chứ không thể nói là không liên quan gì. Việc xử lý nghiêm các thí sinh vi phạm, chính là giữ kỷ cương cho kỳ thi sắp tới.

"Tôi cho rằng với những thí sinh sai phạm trong việc sửa điểm phải cấm thi ít nhất vài năm. Nếu như quy chế của mình cho phép thì phải xử lý ở mức cao nhất. Còn nếu không, cần phải sửa quy chế. Ta vẫn tạo điều kiện cho các em đó sau này, nhưng trước mắt phải xử lý nghiêm khắc để tạo sự răn đe. Nếu làm nghiêm khắc như vậy thì lần sau người lớn muốn gian lận cho con em mình cũng phải cân nhắc. Chứ còn bị sai phạm, cho thôi học, sang năm lại thi tiếp vào trường đại học nào đó thì việc xử lý sai phạm chẳng có ý nghĩa gì”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Trả lời cho câu hỏi, liệu việc công khai danh tính có  gây tổn thương cho học các em, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm: “Theo tôi tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Các em đã ở lứa tuổi 18 rồi, tuổi đủ trí khôn rồi, sợ thế này thì bao giờ các em thành người lớn. Hơi tí dọa nhau thế thì làm sao quản lý được xã hội?

Về việc các thí sinh gian lận điểm thi làm mất cơ hội của các thí sinh khác, GS Nguyễn Minh Thuyết nói, đây là lý do mà càng phải cần làm nghiêm khắc, xử lý triệt để vụ việc này.  

Đối với kỳ thi sắp tới, để tránh việc gian lận điểm thi lặp lại, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, cần thực hiện được 3 việc sau:

Trước hết về mặt kỹ thuật, bộ phận ra đề, quản lý thi, quản lý chất lượng phải ra những biện pháp kỹ thuật để phòng chống gian lận ở mức cao nhất.

Thứ hai phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giữ đúng quy chế về xử lý vi phạm. Vì những vi phạm này thường xảy ra do những người có trọng trách ở những địa phương làm. Ví dụ, những người như tổ trưởng chấm thi, trưởng phòng khảo thí, bộ phận vào điểm… mà gian lận, thông đồng với nhau thì chẳng còn gì để nói. Quy chế đã đề ra rồi thì phải thực hiện cho nghiêm.

Đặc biệt, điểm cuối cùng là phải xử lý vụ việc gian lận thi cử năm 2018 cho dứt điểm. Những người có trọng trách trong chuyện này không thể lẩn tránh trách nhiệm của mình. Ví dụ ông chủ tịch hội đồng thi, không thể nói là vô can được. Những người vi phạm trực tiếp thì đã bị công an xử lý. Còn những người khác cũng phải có mức kỷ luật thích đáng. Không thể làm sai rồi lại bảo đây là trách nhiệm của Bộ GD&ĐT được.

Xưa, người gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng. Ví dụ Cao Bá Quát, vì chữa bài cho thí sinh (không phải vì ăn tiền mà là do thương, tiếc người tài, chữa lỗi phạm húy trong bài thi) đã phải chịu án chém. Sau vua giảm án chém xuống đi đày khổ sai.

Mai Loan