Dữ liệu y khoa

Loãng xương là nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối

  • Tác giả : BSCKII Hà Tường
(khoahocdoisong.vn) - Khi xương bị loãng hóa thì kéo theo các khớp, đốt sống cũng bị ảnh hưởng, gây ra thoái hóa. Có thể nói loãng xương là một trong những nguyên nhân gây nên thoái hóa khớp.

Loãng xương là tiến trình tự nhiên

Loãng xương thường diễn ra âm thầm, là một tiến trình tự nhiên của cơ thể. Đặc trưng của bệnh này là sự thiếu hụt dần các tế bào xương làm cho xương trở nên thưa, giòn và dễ gãy. Hiện tượng loãng xương thường gặp ở người trung tuổi và cao tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh nhưng cũng có thể gặp ở người trẻ hơn do một số nguyên nhân gồm:

- Kém phát triển thể chất từ khi còn nhỏ, đặc biệt là còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protid, thiếu canxi hoặc tỷ lệ canxi/photpho trong chế độ ăn không hợp lý, thiếu vitamin D hoặc cơ thể không hấp thu được vitamin D… làm bộ xương không đạt được khối lượng khoáng chất đỉnh ở tuổi trưởng thành.

- Ít hoạt động thể lực (hoạt động thể lực thường xuyên sẽ giúp cho cơ thể đạt được khối lượng xương cao nhất lúc trưởng thành), ít hoạt động ngoài trời (tiền chất của vitamin D không trở thành vitamin D nên ảnh hưởng tới việc hấp thu canxi).

- Sinh đẻ nhiều lần, nuôi con bằng sữa mẹ mà không ăn uống đủ chất đặc biệt là protid và canxi, để bù đắp lại.

- Bị các bệnh đường tiêu hóa (dạ dày, ruột…) làm hạn chế hấp thu canxi, vitamin D, protid…

- Uống nhiều rượu, bia, cà phê, hút nhiều thuốc lá… làm tăng thải canxi qua đường thận, giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hóa…

Quá trình loãng xương kéo dài trong nhiều năm, sau 30 tuổi xương bắt đầu thoái hóa, xương mất dần khoáng xương. Thường ở tuổi từ 40 - 70 thì triệu chứng đau mới xuất hiện, chủ yếu ở cột sống lưng hay thắt lưng. Đau xảy ra sớm hơn ở những người làm công việc nặng nhọc hoặc phụ nữ. Loãng xương làm các đốt sống giòn dễ gãy, dễ lún gây đau cột sống kéo dài và thường xuyên, đau sẽ nhiều hơn khi ngồi lâu hoặc đứng lâu và đỡ đau khi nằm nghỉ. Đôi khi cũng xuất hiện những cơn cấp tính dữ dội. Loãng xương ở xương tay, chân cũng có thể gây đau nhưng không nhiều, nhưng có thể gây ra mối nguy hiểm khác là dễ bị gãy xương đùi, gãy đầu dưới xương cẳng tay khi ngã hay thậm chí chỉ là cử động sai lệch như chống tay hay xoay chân mạnh. 

Thoái hóa gây sụp lún đốt xương

Thoái hóa xương thường xảy ra sớm hơn ở nơi tiếp giáp các đầu xương như: khớp cổ, khớp giữa các đốt sống lưng… Khớp xương được cấu tạo chủ yếu gồm: các đốt xương được nối với nhau bởi lớp sụn và bao hoạt dịch. Thoái hóa xương gây xẹp lún các đốt xương, sẽ chèn ép phần sụn đệm giữa hai đầu xương bị hư hỏng kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương. Bệnh thường gặp ở khớp gối, sống lưng, đốt sống cổ, gây nên tình trạng đau mỏi khớp, đau lưng, đau mỏi vai gáy hoặc nặng hơn là thoát vị đĩa đệm. Suy giảm mật độ xương và loãng xương có thể gây ra biến dạng cột sống như còng lưng, vẹo cột sống gây nên hiện tượng lún và xẹp cột sống lưng.

Như vậy, mối liên hệ giữa thoái hóa khớp và loãng xương đều là quá trình thoái hóa sinh lý theo tuổi và luôn song hành trên mỗi cơ thể. Khi xương bị loãng hóa thì kéo theo các khớp, đốt sống cũng bị ảnh hưởng, gây ra thoái hóa. Có thể nói loãng xương là một trong những nguyên nhân gây nên thoái hóa khớp .

Chúng ta hoàn toàn có thể chủ động sử dụng biện pháp để giúp xương khớp luôn chắc khỏe, hạn chế tình trạng thoái hóa xương khớp và loãng xương.

1. Cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để xương khớp luôn chắc khỏe, dẻo dai. Cần bổ sung các thực phẩm có nhiều canxi và vitamin D như tôm cua cá, cá hồi, gan, trứng, rau dền, cải chíp, súp lơ, đậu phụ và sữa đậu nành…

2. Duy trì nếp sống lành mạnh, hoạt động thể thao đều đặn.

3. Tránh các tư thế xấu ảnh hưởng đến xương khớp.

4. Điều trị bệnh khi còn giai đoạn sớm.

BSCKII Hà Tường (Bệnh viện Phòng không – Không quân)

BSCKII Hà Tường