Trong Đông y, cua đồng được sử dụng làm thuốc với tên điền giải. Cua có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng làm thông kinh mạch, làm cho 5 tạng khỏi buồn phiền, giải được độc do thức ăn, liền được gân, thêm sức cho xương, bổ ích khí lực, tống được các vật kết đọng trong người, phá được chứng ứ huyết do vấp ngã hoặc bị đánh chấn thương, sốt rét...
Thành phần dinh dưỡng trong 100g thịt cua đồng có 12,3% protid; 3,3% lipid; 5.040mg% Ca; 430mg% P; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin... Đặc biệt, mai cua có nhiều chất chitin.
Đau đầu liên miên không dứt: Cua đực 500g, hành củ khô 150g, gừng tươi thái chỉ 25g, mỡ lợn 75g, gia vị vừa đủ. Cua làm sạch, chặt đôi. Hành khô bóc vỏ thái lát. Cho mỡ vào chảo phi hành và gừng cho thơm rồi bỏ ra, tiếp tục bỏ cua vào rang, khi gần được bỏ hành, gừng và gia vị vừa đủ, chế thêm một chút nước, đun lửa nhỏ cho đến khi cạn khô là được, dùng làm thức ăn hàng ngày. Công dụng: Hoạt huyết hóa ứ, tư âm thanh nhiệt. Bài này dùng tốt cho những người đau đầu thể huyết ứ với biểu hiện: Đau đầu liên miên không dứt, có điểm đau cố định không di chuyển, có lúc đau như dùi đâm kim chích, chất lưỡi có những điểm ứ huyết màu tím, tĩnh mạch dưới lưỡi giãn rộng.
Loãng xương, còi xương do thiếu canxi: Chân cua tươi 200g, rửa sạch, sao vàng, nghiền thành bột mịn, đựng trong lọ kín dùng dần, mỗi ngày uống 1 – 2 lần, mỗi lần 5g với nước cơm. Công dụng: Thanh nhiệt, dưỡng cân hoạt huyết, thông kinh lạc dùng rất tốt cho người già bị loãng xương, trẻ em bị còi xương.
Gẫy xương: Cua 50g, rửa sạch sao khô, tán bột, mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 9 – 12g, nếu dùng rượu nhẹ để chiêu uống thì càng tốt. Dùng cho người gẫy xương giai đoạn đầu, tại chỗ sưng đau, phù nề, thâm tím.
Ngộ độc sắn: Cua tươi 10 – 20 con, rửa qua nước sôi, giã nhỏ, hòa với 1 bát nước đun sôi để nguội rồi lọc lấy nước cốt uống dùng để chữa ngộ độc sắn.
BS Hoàng Khánh (Hội Đông y Việt Nam)