Chia sẻ tại hội nghị khoa học thường niên 2020 do Hội Loãng xương TPHCM tổ chức, theo PGS.TS.BS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TPHCM cho biết, gãy xương là một gánh nặng về kinh tế xã hội cho mọi quốc gia, đặc biệt là nước ta, vì người bị gãy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác.
Biến cố gãy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quy và nhồi máu cơ tim trong các bệnh lý tim mạch. |
Loãng xương là một bệnh lý ảnh hưởng đến 33% phụ nữ và 20% nam giới trên 50 tuổi. Hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh loãng xương là gãy xương. Sau gãy xương, người bệnh còn bị đau đớn kéo dài, giảm chất lượng sống, mất khả năng lao động và vận động, sống phụ thuộc và tàn phế, gia tăng nguy cơ tái gãy xương, thậm chí tử vong. Chính vì thế chi phí điều trị loãng xương và gãy xương càng ngày càng tăng cao, gây nên gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình và toàn xã hội.
Loãng xương là bệnh lý phức tạp, có liên quan đến nhiều bệnh lý mạn tính khác và cũng chịu tác động của nhiều bệnh lý và nhiều nhóm thuốc khác như đái tháo đường, bệnh thận mạn, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp và các bệnh cùng mắc ở người cao tuổi…
Theo PGS.TS.BS Lê Anh Thư, loãng xương có thể phòng ngừa và chẩn đoán sớm, đã có những biện pháp hữu hiệu giảm tối đa nguy cơ gãy xương. Tối ưu hóa sức khỏe xương trong suốt cuộc đời có thể giúp ngăn ngừa loãng xương, luôn kết hợp chặt chẽ giữa vận động và dinh dưỡng để có khối cơ vững chắc và khối lượng xương đỉnh cao nhất lúc trưởng thành. Nếu khối lượng xương đỉnh tăng được 10% sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương trong suốt cuộc đời.
Còn theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, canxi và vitamin D là những vi khoáng cần thiết để giúp xương đạt đỉnh. Hiện nay, lượng canxi tiêu thụ của người trưởng thành và trẻ em Việt Nam mới khoảng 500mg/ngày, chỉ đạt ½ nhu cầu. Dinh dưỡng hợp lý, phòng chống suy dinh dưỡng từ những năm đầu đời và suốt giai đoạn vị thành niên là hết sức quan trọng để phòng ngừa loãng xương.