Giáo dục

Kỳ thi “ba không” của Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc

  • Tác giả : Chí Dũng - Nhã Linh
(khoahocdoisong.vn) - Mặc dù là kỳ thi, nhưng tại khu vực thi, không thể nhận ra một dấu hiệu nào cho thấy đây là nơi tổ chức kỳ thi Cao đẳng. Kỳ thi không biển báo, không có rào ngăn, không có lực lượng an ninh bảo vệ giống như các kỳ thi thông thường khác...

Thời gian qua, Báo KH&ĐS liên tục nhận được thông tin phản ánh một số cá nhân đứng ra tổ chức tuyển sinh, đào tạo các ngành sư phạm của Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc tại các địa điểm ở Hà Nội và tỉnh lân cận. Phóng viên Báo KH&ĐS đã thâm nhập vào một địa điểm thi tại Hà Nội và có những ghi nhận bất ngờ.

Không có danh sách nhưng đóng tiền là được thi!?

Lần theo giới thiệu của một “cò” tuyển sinh, PV được biết ngày 22/12/2019, tại Học viện Múa Việt Nam địa chỉ tại đường Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội tổ chức thi liên thông từ Trung cấp lên Cao đẳng ngành Mầm non của Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc.

Mặc dù, không hề có tên, không nộp hồ sơ, nhưng PV cũng không gặp bất cứ khó khăn gì mà vẫn tiếp cận được địa điểm tổ chức thi. Ghi nhận ban đầu, tại phòng B11 tầng 2 nhà B, Học viện Múa Việt Nam hàng trăm học viên đang nhốn nháo làm thủ tục dự thi.

Khá nhiều học viên không có danh sách nhưng dễ dàng được “đóng tiền” để trở thành học viên có danh sách và tham gia kỳ thi. Tại bàn đóng tiền, PV ghi nhận tất cả các học viên đều đóng 2 khoản tiền: tiền lệ phí thi là 500.000đ và khoản học phí học kỳ 1 là 4.000.000đ.

Phiếu thu học viên giữ sau khi nộp tiền.

Phiếu thu học viên giữ sau khi nộp tiền.

Nhấn mạnh là, đây là kỳ thi đầu vào, về lẽ thường có trúng – có trượt, không hiểu vì sao, các cán bộ tại đây lại mạnh dạn thu luôn tiền học phí?

Tại phòng B11 tầng 2 nhà B, Học viện Múa Việt Nam, PV ghi nhận có một tấm biển, ghi rất rõ: Sở GD&ĐT Hà Nội – Phòng hợp tác Quản lý Tuyển sinh và Đào tạo ngành Sư phạm Mầm non, Tiểu học. Với biển hiệu này, có thể hiểu, đây là một phòng thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Tuy nhiên, biên lại thu tiền trả lại cho sinh viên lại đóng dấu vuông ghi rõ Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc – Phòng Tuyển sinh và QLĐT. Biên lai này không ghi rõ người ký tên, tuy nhiên số tiền ghi trong biên lai chỉ được ghi nhận 4000.000đ, còn 500.000đ thì được người thu ghi mặt sau và ký tên.

Không những vậy, theo danh sách phòng thi, thì đây lại là địa điểm của trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội?

Như vậy, phòng B11 tầng 2 nhà B, Học viện Múa Việt Nam là cơ sở của Sở GD&ĐT Hà Nội, trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, hay trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội? Và Phòng tuyển sinh và QLĐT này đang hoạt động theo sự ủy quyền, cấp phép nào của 1 trong 3 pháp nhân kia, chức năng nhiệm vụ là gì?

Phòng thi số 3 là nơi dồn tất cả những thí sinh không có tên trong danh sách phòng thi số 1 và số 2.

Phòng thi số 3 là nơi dồn tất cả những thí sinh không có tên trong danh sách phòng thi số 1 và số 2.

Kỳ thi chui”?

Nói là kỳ thi chui, bởi lẽ, mặc dù là kỳ thi, nhưng tại khu vực thi, không thể nhận ra một dấu hiệu nào cho thấy đây là nơi tổ chức kỳ thi Cao đẳng. Kỳ thi không biển báo, không có rào ngăn, không có lực lượng an ninh bảo vệ giống như các kỳ thi thông thường khác...

Sau khi đóng các loại phí tại tòa nhà B, thí sinh được hướng dẫn di chuyển sang tòa nhà A. Có lẽ, do bất ngờ với số lượng học viên phát sinh, nên trước khi vào phòng thi, hàng trăm thí sinh phải đứng ngồi ngoài hành lang chờ sắp xếp.

Lúc này, có một học viên tự xưng là lớp trưởng đứng ra phát tài liệu thi cho các học viên. Nếu có ai mới đến, học viên này đều hỏi có tài liệu chưa để phát. Không những vậy, vị lớp trưởng này còn yêu cầu mọi người add Zalo của mình để tiện cho việc học sau này.

"Các chị nào không đi học, khi có bài kiểm tra cuối môn thì bọn em sẽ gửi bài cho để tránh trường hợp thiếu bài, những người ở xa, em sẽ gửi đề bài mọi người làm sau đó chuyển phát nhanh lên. Khóa trước bọn em cũng làm như vậy", vị này nhấn mạnh

Khoảng một giờ sau, có 3 người lên thông báo chính thức, kỳ thi hôm nay được chia làm 3 phòng và kèm theo thông báo ai không có tên trong phòng thi số 1 và số 2 thì sẽ vào phòng thi số 3. Lúc này, PV mới biết mình ở phòng thi số 3. Theo đó, 2 phòng dành cho thí sinh đã có danh sách, mỗi phòng có 50 học viên. Riêng phòng 3 - phòng cho các thí sinh "nhảy dù" - được Phòng tuyển sinh và QLĐT này cài chế độ chờ không danh sách.

Theo bản danh sách chính thức mà PV ghi nhận, những thí sinh dự thi tuyển sinh lớp Cao đẳng (1,5 năm) ngành Giáo dục Mầm non địa điểm tại Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội phòng thi số 3 là khoảng 70 người. Mỗi phòng thi được bố trí từ 50 - 70 thí sinh là chưa phù hợp với các quy định của Bộ GD&ĐT.

Ngoài phòng là vậy, trong phòng, sự nhốn nháo còn tăng lên gấp bội. Tại phòng thi của PV, ngoài 2 giám thị có biển tên thì có 3 người không biển tên có nhiệm vụ thường xuyên ra vào nhắc nhở thí sinh, đề nghị thí sinh tắt điện thoại không dùng vì nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ những tài liệu cần thiết cho bài thi. Vậy 3 cán bộ này có thuộc “biên chế” kỳ thi này hay không?

Trong thời gian chờ đợi bắt đầu thi, nhà trường yêu cầu tất cả sinh viên hoàn thành tờ khai đăng kí xét tuyển và viết đơn đề nghị xem xét cho học tại trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội.

Kỳ thi bắt đầu diễn ra vào 9h00, thí sinh sẽ thi liên tục 2 môn tự luận sau đó chuyển sang thi môn năng khiếu. Lúc này giám thị thứ nhất thông báo môn thi đầu tiên là môn Tâm lý, nhưng khi đề được mang vào phòng thi lại là môn Ngữ Văn.

Có một sự trùng hợp là tài liệu photo được lớp trưởng phát, ngẫu nhiên trùng hợp với các câu hỏi trong đề thi Ngữ văn. Và các thí sinh ra sức chép mà không gặp bất cứ sự “cản trở” nào từ giám thị.

Giám thị coi thi số 2 (áo nâu) và cán bộ trường Cao đẳng Vĩnh Phúc không đeo biển tên khi vào khu vực thi.
Giám thị coi thi số 2 (áo nâu) và cán bộ trường Cao đẳng Vĩnh Phúc không đeo biển tên khi vào khu vực thi.

Tiếp tục chuyển sang thi môn Tâm lý, sự trùng hợp ngẫu nhiên lại xảy ra, khi các thí sinh lại được cấp tài liệu photo và ra sức chép như môn Ngữ văn. 

Thậm chí, một giám thị không có biển tên liên tục nhắc nhở các thí sinh về kỹ năng chép. “Chép lược bỏ đi không cần phải chép hết trong tài liệu, chỉ cần đủ điểm đỗ là được, đây chỉ là thi kiểm tra đầu vào”,  vị này nhấn mạnh.

Sau 2 môn thi này, các thi sinh tiếp tục chuyển sang thi môn năng khiếu vào khoảng 11h. Vậy là, chỉ trong một buổi sáng, các thí sinh đã hoàn thành thi tới 3 môn. Kỳ lạ là, dù thi căng thẳng như thế, nhưng với những gì PV trải qua, có lẽ muốn trượt cũng khó?

Trước đó, xác minh một số địa điểm có dấu hiệu tuyển sinh đào tạo “chui” các chương trình của trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc, PV đã có buổi làm việc với ông Trần Thanh Tùng – Hiệu trưởng nhà trường.

Ông Tùng cho biết: “Tại Hà Nội và Bắc Giang nhà trường không liên kết, các lớp tại Hà Nội và Bắc Giang đều do một người tên T. – Trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội đứng ra làm đầu mối. Do nhà trường chưa kí hợp đồng liên kết đào tạo với đơn vị nào và phía trường Trung cấp Tổng hợp Hà Nội chỉ phối hợp về cơ sở vật chất. Khi báo chí phản ánh nhà trường đã yêu cầu anh T. và cô N. ngày 6/11/2019 chuyển lớp về trụ sở chính của nhà trường”, ông Tùng nhấn mạnh.

Vậy, cụ thể kỳ thi này là thi “chui” hay chỉ do một nhóm người đứng ra tự tổ chức, người tên T., và cô N. là ai? Sau khi tiếp xúc với PV đã đề cập tới những vấn đề gì? Đó chính là nội dung Báo KH&ĐS tiếp tục thông tin tới bạn đọc. 

Chí Dũng - Nhã Linh