Giáo dục

Đại học Quốc tế Bắc Hà: Bộ nói đạt tiêu chuẩn, số sinh viên quốc tế vẫn “teo” lại

  • Tác giả : Ngô Trọng Nghĩa
(khoahocdoisong.vn) - Năm 2017, Bộ GD&ĐT quyết định kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập của các trường đại học ngoài công lập. Trong đó có Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà. Điểm nhấn là, sau cuộc kiểm tra này, năm 2018, Đại học Quốc tế Bắc Hà mới bắt đầu có sinh viên Quốc tế theo học. Đó là các sinh viên đến từ Lào và Campuchia.

Bộ kiểm tra nói đạt

Ngày 2/11/2017, Bộ GD&ĐT thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập của các trường đại học ngoài công lập. Theo đó, có 3 đoàn kiểm tra được thành lập. Theo danh sách, Đại học Quốc tế Bắc Hà do đoàn số 2 kiểm tra, cùng Đại học Hòa Bình, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Thành Đô, Đại học Tài Chính - Ngân hàng Hà Nội, Đai học Thành Tây (nay là Đại hoc Phenikaa).

Đoàn kiểm tra số 2 do Bà Đặng Thị Thu Huyền, Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn. Các thành viên còn lại là các ông bà Nguyễn Quý Cao (Chuyên viên, Vụ Tổ chức cán bộ), Phạm Anh Toàn (Chuyên viên chính, Cục Cơ sở vật chất), Phan Thế Hùng (Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học), Phạm Việt Hùng (Chuyên viên, Vụ Kế hoạch Tài chính).

Đoàn Kiểm tra có nhiệm vụ tiến hành kiểm tra, xác minh, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện cam kết thành lập của các trường đại học với các nội dung về ngành nghề và quy mô đào tạo, đất xây dựng; cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ quản lý và giảng viên, tài chính và tài sản…

Về quyền hạn, đoàn kiểm tra được cung cấp hồ sơ thành lập trường, các kết luận thanh tra với các trường có nội dung liên quan tới cam kết thành lập trường, được yêu cầu các trường được kiểm tra báo cáo bằng văn bản và các tài liệu minh chứng. Thời gian kiểm tra vào ngày 14/11/2017 đến hết ngày 15/12/2017. Mỗi trường sẽ được kiểm tra trong 2 ngày làm việc.

Nếu nhìn vào thành phần trong đoàn thuộc đầy đủ các Vụ chức năng, nội dung trong đợt kiểm tra, cùng nội dung đề cương Bộ gửi về cho các trường yêu cầu các trường làm Báo cáo về việc thực hiện cam kết thành lập trường Đại học… có thể thấy đây là một đợt kiểm tra bài bản và kỹ lưỡng.

Do vậy, về hồ sơ báo cáo và kết quả đã được đoàn Kiểm tra số 2 thẩm định là đầy đủ và đảm bảo theo quy định. Minh chứng là, năm học 2018-2019 và năm học 2019-2020 trường vẫn đăng ký hàng nghìn chỉ tiêu mỗi năm và trường Quốc tế Bắc Hà thậm chí năm 2018 trường đã có sinh viên Quốc tế theo học.

Sinh viên nước ngoài hỏi Bộ về chất lượng?

Ngày 15/12/2018, Đại học Quốc tế Bắc Hà tổ chức đón tiếp cán bộ, sinh viên Lào và Campuchia sang thăm, học tập tại trường. Tại buổi lễ này, đại diện trường cho biết "với thế mạnh là cơ sở đào tạo Đại học đa ngành, đa lĩnh vực, không ngừng triển khai và mở rộng hợp tác Quốc tế ở các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Trong năm học 2018 - 2019, trường sẽ tiếp nhận 300 sinh viên Quốc tế. Trong đó, các sinh viên đến từ Lào và Campuchia sẽ được tạo điều kiện tối đa về cơ sở vật chất cũng như được miễn học phí trong suốt quá trình học tập".

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Nguyễn Văn Phong - nhấn mạnh, công tác giáo dục và đào tạo được tỉnh đặc biệt quan tâm, nhiều tiêu chí đứng top đầu của cả nước. Ông Phong mong muốn: Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tăng cường phối hợp với Đại học Quốc tế Bắc Hà tạo điều kiện tốt nhất sinh viên hai nước Lào và Camphuchia.

Văn bản của nước bạn Campuchia hỏi Bộ GD&ĐT Việt Nam về chất lượng của Đại học Quốc tế Bắc Hà

Văn bản của nước bạn Campuchia hỏi Bộ GD&ĐT Việt Nam về chất lượng của Đại học Quốc tế Bắc Hà 

Tuy nhiên, sau gần một năm các sinh viên học tiếng Việt tại trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ - Bắc Ninh (cơ sở do ĐH Quốc tế Bắc Hà thuê làm văn phòng tuyển sinh), Đại sứ quán Campuchia có văn bản hỏi Bộ GD&ĐT về chất lượng của cơ sở vật chất của Đại học Quốc tế Bắc Hà. Nội dung văn bản hỏi Bộ GD&ĐT cụ thể như sau:

Năm 2018 thông qua hợp tác đào tạo trường Đại học Quốc tế Bắc Hà, chúng tôi đã cử một số học sinh sang học tiếng Việt Nam  tại trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, tại địa điểm thuê của trường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Ninh vì trường ĐH Quốc tế Bắc Hà đang triển khai xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cho đào tạo tại khu đất nhà trường được cắm tại Tiên Du, Bắc Ninh (theo ông Phạm Văn Hiệt phó hiệu trưởng).

Đến nay, chương trình học tiếng Việt Nam đã song, sinh viên bắt đầu học đại học các ngành Công nghệ, Kỹ thuật. Qua học sinh chúng tôi được biết, tháng 6/2019 trường yêu cầu sinh viên đi lao động tại khu đất này,  thì vẫn chưa có công trình nào được xây dựng mà ông Hiệp nói tháng 6 năm 2019 xây dựng song toàn bộ cơ sở vật chất, cũng như giảng đường, các phòng học thực hành, Thực tập, Công nghệ kỹ thuật; Ký túc xá và đào tạo Đại học các ngành kỹ thuật công nghệ, sinh viên quốc tế.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ đại học cho sinh viên Campuchia khi sang học tại trường Đại học quốc tế Bắc Hà, chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT Việt Nam cho biết việc đảm bảo chất lượng đào tạo của trường Đại học Quốc tế Bắc Hà thực sự như thế nào? Đã xây dựng giảng đường cũng như cơ sở vật chất thực hành thực tập cho các ngành kỹ thuật, công nghệ, ký túc xá, khu thể dục thể thao đã xong chưa để chúng tôi đến thăm thực tế. Nếu có và đã xong thì gửi đầy đủ minh chứng cho chúng tôi.

Khoan nói về việc Bộ GD&ĐT trả lời Đại sứ quán Campuchia như thế nào, tuy nhiên, nhìn từ kết quả trúng tuyển mà ông Phạm Văn Hiệp ký cho sinh viên 2 nước Lào và Campuchia ngày 5/9/2019 – tức sau một năm học tiếng Việt – có thể thấy, từ 300 sinh viên sang học tiếng Việt Nam, nay chỉ còn 25 sinh viên.

 Đến đây cũng có thể đánh giá phần nào về sự tin tưởng của sinh viên quốc tế với chất lượng của Đại học Quốc tế Bắc Hà. Vậy, số sinh viên Quốc tế (khoảng 275) sinh viên quốc tế đã theo học tiếng Việt tại Đại học Quốc tế Bắc Hà đã về đâu để học tập?

Báo KH&ĐS sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Ngô Trọng Nghĩa