Giáo dục

Kiểm tra học kỳ trực tuyến: Ý thức của học trò là quan trọng nhất

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Theo các giáo viên, sẽ có những biện pháp giám sát để tránh gian lận khi kiểm tra trực tuyến. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của học sinh và cha mẹ cần đồng hành để con có được điều này.

Học sinh bật mic, không được tắt camera suốt quá trình làm bài

Dự kiến của Sở GD&ĐT Hà Nội cho học sinh đi học trở lại vào ngày 10/7 để ôn tập, hoàn thành công việc của năm học 2020 - 2021, trong đó có kiểm tra học kỳ 2 đã phải hoãn lại do dịch Covid-19  trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp trở lại. Và thay vì kiểm tra học kỳ 2 trực tiếp, các trường đã quyết định cho học sinh kiểm tra trực tuyến.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng, là làm thế nào để đảm bảo sự minh bạch, công bằng, tránh gian lận khi kiểm tra trực tuyến.

Mới đây, nhiều trường ở Hà Nội đã tổ chức họp phụ huynh cho các khối lớp để chuẩn bị cho việc kiểm tra trực tuyến. Những quy định về việc kiểm tra trực tuyến được gửi đến các phụ huynh học sinh, trong đó, nêu cao vai trò của phụ huynh học sinh trong việc giúp con có sự chuẩn bị về trang thiết bị, phòng thi đúng quy định. Đặc biệt, là nhắc nhở con về ý thức tự giác khi làm bài kiểm tra, tránh sự gian lận. Phụ huynh cũng phải là người tiên phong, gương mẫu thực hiện quy định này.

Theo quy định của Trường THCS Nam Trung Yên, Cầu Giấy gửi tới các phụ huynh, yêu cầu đầu tiên khi làm bài kiểm tra trực tuyến là học sinh phải bật camera và micro suốt thời gian làm bài kiểm tra, giữ trật tự và chỉ phát biểu khi được giám thị cho phép. Camera phải đặt ở vị trí có thể nhìn rõ mặt và tay của học sinh khi học sinh đang làm bài. 

Học sinh không được phép sử dụng tài liệu liên quan đến môn kiểm tra và không được sử dụng mạng internet để tra cứu thông tin. 

Học sinh chỉ được phép sử dụng duy nhất 1 thiết bị điện tử có camera để thực hiện làm bài kiểm tra (khuyến khích đăng nhập Teams trên máy tính), trong trường hợp  đặc biệt phải xin ý kiến của giám thị coi kiểm tra để được hướng dẫn xử lý.  

Nếu học sinh không nhận được đề kiểm tra và xảy ra lỗi khi nộp bài kiểm tra thì phải chụp ảnh màn hình làm minh chứng và gửi lại cho giáo viên chủ nhiệm.

Nếu học sinh nộp bài kiểm tra muộn thì trừ 0,5 điểm/5 phút nộp muộn (theo thang  điểm 10, nếu không có minh chứng lỗi kỹ thuật). Sau 15 phút từ lúc hết giờ làm bài, đề kiểm tra sẽ bị khóa. 

Đặc biệt, riêng với môn Ngữ văn, có 40% câu tự luận, học sinh sẽ phải chép toàn bộ đề bài tự luận vào giấy kiểm tra, tránh trường hợp làm sẵn câu trả lời theo để cương ôn tập.

Nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội cũng có chung quy định đối với kiểm tra trực tuyến giống như trường THCS Nam Trung Yên.

Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào, vẫn có phụ huynh băn khoăn về việc thực hiện có khả thi hay không.

Quan trọng là ý thức của học sinh

Chị Nguyễn Thu Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, chị cùng một số phụ huynh đề xuất việc tắt micro trong khi học sinh làm bài. Bởi không phải gia đình nào cũng có phòng riêng. Và chỉ cần một vài học sinh có tiếng ồn thì sẽ ảnh hưởng đến các học sinh khác. Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm cho rằng, yêu cầu phải có một phòng yên tĩnh để cho học sinh làm bài là bắt buộc. Và việc bật micro suốt quá trình làm bài nhằm đảm bảo ở mức cao nhất thí sinh sẽ không được “gà” bài.

Trao đổi với phóng viên, cô giáo Đỗ Phương Nam, Trường THCS Ngô Gia Tự (Hai Bà Trưng) cho biết, trường của cô vừa hoàn thành việc kiểm tra học kỳ 2 trực tuyến đối với 3 khối lớp 6, 7. 8. Quá trình thực hiện ổn, các em làm bài nghiêm túc.

Cũng có một số học sinh gặp sự cố về đường truyền. Những trường hợp này, giáo viên chủ nhiệm báo cáo với Ban giám hiệu nhà trường, sau đó, các em sẽ được tổ chức cho thi lại.

Đối với yêu cầu bật camera và micro trong suốt quá trình thi, cô Nam cho biết đây là yêu cầu bắt buộc và cần thiết. Khi bật micro lên nhằm mục đích để các em không thể trao đổi bài với bất kỳ ai. Và camera nhằm theo dõi mọi hoạt động của các em.

Việc phải kiểm tra trực tuyến là bất khả kháng trong tình hình dịch bệnh, phụ huynh cần hỗ trợ với nhà trường để khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện cho các em làm bài kiểm tra một cách tốt nhất.

Sau những ngày nghỉ, kiến thức các em có thể “rơi rụng” đi ít nhiều, các phụ huynh nên phối hợp với các thầy cô giáo, giám sát việc ôn tập cho các con.

Thực tế, việc học trực tuyến có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tự giác của học trò. Cha mẹ cần rèn cho con sự chủ động trong học tập, tự lập, tự giác.

Theo đó, mỗi ngày cần kiểm tra việc học tập của con, xem con đã học như thế nào, từ vở ghi, cho tới làm bài tập. Tránh “thả nổi”, mặc kệ con muốn làm gì thì làm. Thường xuyên cập nhật những tin nhắn của giáo viên trên nhóm để không bỏ lỡ những nội dung quan trọng, ảnh hưởng tới việc học tập của con.

Đặc biệt, dù nhà trường đã chuẩn bị tất cả những quy định để việc kiểm tra được diễn ra một cách an toàn, nghiêm túc nhất, tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là ý thức của các con. Bố mẹ nên thường xuyên nhắc nhở con về sự nghiêm túc, minh bạch, công bằng.

“Và bố mẹ cũng phải là người nêu gương về việc này, tuyệt đối không đồng tình hay tiếp tay cho sự gian dối của con (nếu có). Hình thành cho trẻ một ý thức tốt là nền móng để các em có sự vươn lên trong học tập bằng chính năng lực của mình. Thi học kỳ chỉ là điểm để các em hoàn thành nốt năm học, việc đánh giá là cả một quá trình, chứ không phải một đầu điểm. Đặc biệt, còn rất nhiều kỳ thi quan trọng, quyết định tương lai các em ở phía trước. Nếu không có ý thức tự học, học thực chất, các em sẽ khó thành công”, cô Nam chia sẻ.

Theo quy định của một số trường, trong trường hợp gia đình học sinh không có đủ điều kiện về thiết bị theo đúng yêu cầu để các em làm bài kiểm trưc tuyến, cần báo cáo với giáo viên chủ nhiệm trước ngày kiểm tra 1 ngày. Giáo viên sẽ tập hợp danh sách, báo cáo để các em có thể đến trường làm bài trực tiếp, tuy nhiên, cần đảm bảo tuân thủ đúng yêu cầu về phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, phụ huynh cần sát sao trong việc hỗ trợ con, nắm rõ quy định, tránh trường hợp con bị hủy bài thi do thực hiện sai quy định.

Mai Loan