Giáo dục

Kiểm tra trực tuyến học kỳ 2: Khó giám sát gian lận

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trong tình hình dịch bệnh kéo dài, các trường có thể quyết định cho học sinh kiểm tra trực tuyến học kỳ 2. Tuy nhiên, theo các giáo viên, sẽ rất khó trong việc giám sát gian lận thi cử.

Các trường chủ động thực hiện kiểm tra trực tuyến học kỳ 2

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại đúng vào thời điểm cuối năm học. Có một số trường học sinh đã thi gần hết môn, nhưng cũng có trường, học sinh chuẩn bị thi học kỳ khiến thầy trò không kịp “trở tay”.

Trong tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài, thì sẽ thực hiện việc kiểm tra đánh giá cuối kỳ thế nào, có lùi thời gian kết thúc năm học và thi tốt nghiệp THPT không, là băn khoăn của nhiều phụ huynh, học sinh.

Trả lời phóng viên liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, quỹ thời gian năm học vẫn còn gần 1 tháng, bởi theo khung kế hoạch thì đến ngày 31/5 mới kết thúc năm học.

Hiện nay, một số địa phương đã cho học sinh tạm dừng đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên, đã chủ động việc dạy trực tuyến. Việc dạy trực tuyến này cũng đã được thực hiện từ các đợt dịch trước, cho nên, đã có nhiều thuận lợi, không còn bỡ ngỡ nữa.

Giả sử, dịch bệnh sớm được kiểm soát, học sinh có thể trở lại trường trong khung kế hoạch, thì các trường vẫn có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với học sinh.

Còn trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, bất khả kháng, học sinh không thể đến trường, thì hiệu trưởng nhà trường có thể quyết định tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến.

Việc này cũng đã có quy định tại Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT. Theo đó, quy định rõ các hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ như thực hiện bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính; bài thực hành; dự án học tập. Hiệu trưởng sẽ quyết định áp dụng hình thức kiểm tra đánh giá định kỳ phù hợp, tùy vào từng điều kiện, từng môn học.

Đề thi đánh giá theo hình thức trực tuyến phải đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, phù hợp với hình thức kiểm tra trực tuyến, thiết kế phù hợp để đánh giá đúng năng lực học sinh.

Các trường sẽ phải chủ động có phương án để giám sát quá trình kiểm tra trực tuyến, đảm bảo sự khách quan, đánh giá chính xác, đúng năng lực học sinh.

“Có thể khẳng định sẽ hoàn thành chương trình năm học đúng theo khung kế hoạch thời gian năm học đã được Bộ GD&ĐT ban hành là trước ngày 31/5”, ông Thành cho biết.

Khó giám sát khi kiểm tra trực tuyến 

Trước diễn biến của dịch Covid-19, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản hỏa tốc gửi phòng GD&ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện; các cơ sở giáo dục phổ thông… về hướng dẫn tổ chức kiểm tra học kỳ 2 và hoàn tất chương trình năm học 2020 - 2021.

Theo đó, Sở GD&ĐT thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh kế hoạch và kết thúc kiểm tra định kỳ học kỳ 2 với hình thức bài kiểm tra trực tiếp tại lớp, tại trường trước ngày 9/5. Và bắt đầu từ tuần sau, học sinh TPHCM sẽ tạm dừng việc đến trường, chuyển sang học trực tuyến.

Theo thông báo của Sở GD&ĐT Hà Nội gửi tới các cơ sở giáo dục ngày 4/5 thì học sinh các cấp trên địa bàn học trực tuyến từ ngày 4/5 nhưng việc kiểm tra, đánh giá định kỳ sẽ được thực hiện trực tiếp tại trường.

Tuy nhiên, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại  học Quốc gia Hà Nội) đã là ngôi trường phổ thông đầu tiên tại Hà Nội cho học sinh kiểm tra học kỳ II bằng hình thức trực tuyến.

Theo đó, học sinh khối 10, 11 của trường sẽ kiểm tra trực tuyến các môn (trừ Toán, Văn, Ngoại ngữ) trên nền tảng MS. Teams.

Lịch thi và hình thức thi các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ sẽ được Ban Giám hiệu thông báo sau, tuỳ thuộc vào diễn biến dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo của các cấp liên quan.

Tại các buổi kiểm tra, học sinh đăng nhập vào các lớp học trên MS. Teams đúng giờ quy định; thực hiện các quy trình làm bài kiểm tra theo hướng dẫn của các cán bộ coi thi; không được phép sử dụng tài liệu liên quan đến các môn thi.

Đồng thời, học sinh chỉ được phép sử dụng duy nhất 1 thiết bị điện tử để thực hiện làm bài thi. Trong trường hợp đặc biệt, học sinh cần xin ý kiến của cán bộ coi thi để được giải quyết.

Trong suốt quá trình làm bài, tất cả học sinh bật tính năng video và tắt tính năng audio. Học sinh chỉ được bật tính năng audio khi được yêu cầu.

Cô giáo Lê Hương Giang, Trường THPT Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, việc kiểm tra trực tuyến trong điều kiện diễn biến dịch phức tạp là điều bất khả kháng, không ai mong muốn. Điều này cũng đã được Bộ GD&ĐT cho phép.

Tuy nhiên, thực tế, sẽ khó nói rằng đảm bảo được sự minh bạch, công bằng giống như thực hiện đối với kiểm tra trên lớp, đặc biệt là đối với môn Văn. Nếu các em sử dụng tài liệu, gian lận cũng khó kiểm soát.

“Cho dù là bắt buộc học sinh phải bật camera, tuy nhiên, giáo viên cũng sẽ khó giám sát được cả lớp cùng lúc trên màn hình. Chưa kể, còn phụ thuộc vào điện, chất lượng mạng nữa. Giả sử đang thi mà mất điện, mạng của học sinh bị rớt, hoặc học sinh viện cớ mạng chập chờn mà tắt camera… thì cũng không thể đảm bảo được sự minh bạch. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết từ cấp trên”, cô Giang nói.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, do thời gian kết thúc năm học chưa cần điều chỉnh, cho nên, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, chưa lùi thời gian thi tốt nghiệp THPT.

Còn đối với kỳ thi chuyển cấp như thi vào lớp 10, đã được quy định rõ trong thông tư 11, do các địa phương chủ động kế hoạch, điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương.

Mai Nguyễn