Dinh dưỡng

Gợi ý chế độ ăn uống giúp cải thiện rối loạn tăng động giảm chú ý

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Rối loạn tăng động giảm chú ý không phải được chữa khỏi bởi bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào. Nhưng chế độ ăn uống có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý.
Gợi ý chế độ ăn uống giúp cải thiện rối loạn tăng động giảm chú ý. Ảnh minh họa

Gợi ý chế độ ăn uống giúp cải thiện rối loạn tăng động giảm chú ý. Ảnh minh họa

Chế độ ăn uống ảnh hưởng thế nào đến rối loạn tăng động giảm chú ý?

Không có đủ bằng chứng để kết luận rằng rối loạn tăng động giảm chú ý bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chế độ ăn uống. Tất cả mọi người, cho dù họ có rối loạn tăng động giảm chú ý hay không, đều được hưởng lợi từ thói quen ăn uống lành mạnh.

Một số nghiên cứu đã phát hiện ra tỷ lệ thiếu hụt dinh dưỡng cao hơn ở những người bị rối loạn tăng động giảm chú ý, đặc biệt là sắt, magie, kẽm, axit béo omega - 3, vitamin B2, B6 và B9…

Những thiếu hụt này có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự hoặc làm tăng các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý.

Tình trạng dị ứng thực phẩm hoặc không dung nạp, gây khó chịu nhưng không phải là phản ứng miễn dịch, có liên quan đến việc gia tăng các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.

Chế độ ăn giúp cải thiện chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Chế độ ăn giàu protein: Đậu, pho mát, trứng, thịt và các loại hạt có thể là nguồn cung cấp protein dồi dào. Ăn những loại thức ăn này vào buổi sáng và bữa phụ sau giờ học. Nó có thể cải thiện sự tập trung và có thể làm cho thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý hoạt động lâu hơn.

Bổ sung acid amin: Mỗi tế bào trong cơ thể cần acid amin để hoạt động. Trong số những chất này, acid amin được sử dụng để tạo ra chất dẫn truyền thần kinh hoặc tạo ra các phân tử tín hiệu trong não. Đặc biệt, acid amin phenylalanine, tyrosine và tryptophan được sử dụng để tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh dopamine, serotonin và norepinephrine.

Những người bị rối loạn tăng động, giảm chú ý đã được chứng minh là có vấn đề với chất dẫn truyền thần kinh này, cũng như nồng độ của acid amin này trong máu và nước tiểu. Vì lý do này, nên một số nghiên cứu đã xem xét cách bổ sung acid amin ảnh hưởng đến các triệu chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ em. Các chất bổ sung là Tyrosine và S-adenosylmethionine đã cung cấp kết quả hỗn hợp: một số nghiên cứu cho thấy kết quả không có tác dụng và những nghiên cứu khác cho thấy lợi ích của chúng đối với các triệu chứng này là khá khiêm tốn.

Bổ sung vitamin và chất khoáng: Sự thiếu hụt sắt và kẽm có thể gây ra suy yếu về tinh thần ở tất cả trẻ em, cho dù chúng có chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý hay không. Tuy nhiên, hàm lượng kẽm, magie, canxi và photpho thấp hơn đã được báo cáo nhiều lần ở trẻ em bị rối loạn tăng động, giảm chú ý.

Một số nghiên cứu đã xem xét tác dụng của việc bổ sung kẽm và tất cả chúng đều báo cáo có cải thiện về triệu chứng. Những nghiên cứu khác cũng đánh giá tác động của chất bổ sung sắt đối với trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý và kết quả cũng tìm thấy sự cải thiện của triệu chứng khi được bổ sung sắt. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nghiên cứu thực hiện cho mối liên quan này.

Tác dụng của các liều dùng vitamin B6, B5, B3, và vitamin C cũng đã được đánh giá, nhưng không tìm thấy sự cải thiện nào đối với triệu chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý.

Tuy nhiên, thử nghiệm năm 2014 về bổ sung vitamin tổng hợp và chất khoáng đã tìm thấy hiệu quả. Những người trưởng thành sử dụng chất bổ sung và kết quả cho thấy có sự cải thiện.

Bổ sung acid béo omega-3: Acid béo omega-3 đóng vai trò quan trọng trong não. Trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý thường có lượng acid béo omega-3 thấp hơn so với trẻ bình thường. Hơn nữa, mức độ omega-3 càng thấp thì trẻ bị rối loạn tăng động, giảm chú ý càng gặp nhiều vấn đề khó khăn về học tập và hành vi. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nghiên cứu đã tìm thấy chất bổ sung omega-3 để cải thiện triệu chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý. Tuy nhiên, hiệu quả cải thiện còn khá khiêm tốn.

Omega-3 giúp cải thiện hoàn thành nhiệm vụ và sự không tập trung. Ngoài ra, nó còn giúp giảm bớt sự bồn chồn, bốc đồng và hiếu động. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều được thuyết phục với giả thuyết này. Một nghiên cứu phân tích đã chỉ ra rằng, ước tính các triệu chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý bằng thang đánh giá CRS, đã kết luận rằng có bằng chứng nhưng rất nghèo nàn của việc bổ sung omega-3 để cải thiện các triệu chứng rối loạn tăng động ở trẻ em.

Giang Thu (T/H)