KHOẺ ĐẸP

Chế độ ăn bổ sung có bằng chứng trong bệnh bạch biến

  • Tác giả : ThS.BSNT. Nguyễn Mạnh Tân
Có rất ít các nghiên cứu đánh giá vai trò chế độ ăn uống trong phòng ngừa hoặc quản lý bệnh nhân bạch biến nhưng lại có nhiều cuốn sách, trang web  khuyến nghị chế độ ăn kiêng không có căn cứ. Vậy ăn thế nào cho đúng?

Bạch biến là một bệnh rối loạn sắc tố mắc phải đặc trưng bởi các dát mất sắc tố ranh giới rõ, có thể xuất hiện lông, tóc trắng trên bề mặt tổn thương. Bệnh không gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tác động tiêu cực tới tâm lý và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tăng cường các vitamin chống oxy hóa

Hiện tại có rất ít các nghiên cứu đối chứng đánh giá vai trò của chế độ ăn uống trong phòng ngừa hoặc quản lý bệnh nhân bạch biến. Tuy nhiên, lại có nhiều cuốn sách, trang web và ấn phẩm khuyến nghị chế độ ăn kiêng không có căn cứ và các chất bổ sung cho vô số bệnh tự miễn dịch, bao gồm cả bệnh bạch biến.

Các khuyến cáo về chế độ bổ sung trong bệnh bạch biến chủ yếu dựa trên thành phần và hàm lượng các chất chống oxy hóa của các loại thực phẩm bổ sung (bao gồm thức ăn, các thử phẩm chức năng và một số được coi là thuốc). Đồng thời khuyến cáo cũng nên tránh hoặc ăn kiêng một số loại thực phẩm gây nguy cơ dị ứng có thể làm trầm trọng hơn bệnh bạch biến.

Chế độ ăn bổ sung có bằng chứng trong bệnh bạch biến ảnh 1

Chế độ ăn bổ sung có bằng chứng trong bệnh bạch biến

Chế độ bổ sung có bằng chứng được khuyến cáo

Bổ sung vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng với cơ thể, đặc biệt nhiều chất có vai trò chống oxy hoá mạnh và điều hoà miễn dịch, một trong những cơ chế liên quan chính trong bệnh bạch biến.

Vitamin B12/acid folic: Vitamin B12 (cobalamin) là một vitamin tan trong nước có tác dụng trên huyết học và thần kinh, nó là 1 trong 8 loại vitamin B. Axit folic (vitamin B9) là dạng tổng hợp của B9. Con người không thể tổng hợp folate, do đó nó phải được cung cấp thông qua chế độ ăn uống. Folate cần thiết để sửa chữa DNA, tổng hợp và methyl hóa DNA. Chúng rất quan trọng cho sự phát triển, phân chia tế bào và chức năng não.

Vitamin C (axit ascorbic): Vitamin C là một vitamin tan trong nước có nhiều trong trái cây họ cam quýt và nhiều loại rau. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận những tác dụng có lợi cho sức khỏe của vitamin C, bao gồm các đặc tính chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch.

Có ý kiến cho rằng việc bổ sung vitamin C là chống chỉ định đối với bệnh bạch biến do hoạt tính làm sáng da. Tuy nhiên, quan điểm khác cho rằng lợi ích chống oxy hóa sẽ lấn át nguy cơ này.

Vitamin D: Vitamin D3 gắn với các thụ thể vitamin D ở da tác động đến sự phát triển và biệt hóa tế bào sắc tố và tế bào sừng và ức chế hoạt hóa tế bào T. Ngoài ra, các tế bào sắc tố được cho là biểu hiện các thụ thể 1-alpha-dihydroxyvitamin D3, có thể có một vai trò kích thích sự hình thành hắc tố. Hơn nữa, vitamin D được cho là có tác dụng điều hòa miễn dịch bằng cách ức chế sự biểu hiện của các cytokine tiền viêm.

Vitamin E: Vitamin E là một loại vitamin tan trong chất béo có nhiều tác dụng sinh học, bao gồm khả năng loại bỏ mạnh mẽ các gốc tự do và ức chế đông máu tiểu cầu.

Nhiều nghiên cứu đã công bố rằng việc kết hợp bổ sung vitamin E và chiếu ánh sáng (NB-UVB, PUVA) giúp làm tăng hiệu quả hồi phục sắc tố, giảm số lần điều trị và hạn chế tác dụng phụ do liệu pháp ánh sáng gây ra.

Kẽm (Zinc): Kẽm là một khoáng chất thiết yếu có chức năng là cofactor cho > 3000 protein (enzym, các yếu tố hạt nhân, hormon). Nó điều chỉnh sự biểu hiện gen và hoạt động như cofactor cho superoxide dismutase, một chất chống oxy hóa trong da. Ngoài ra, kẽm đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hắc tố.

Bổ sung thảo dược

Các chất bổ sung khác đã được sử dụng trong việc quản lý bệnh bạch biến bao gồm một số loại thực vật đã được chứng minh là có chất chống oxy hóa, chống viêm và điều hoà miễn dịch.

Epigaollocalechin-3-galate (trong trà xanh): Tác dụng chống oxy hóa của trà xanh là do catechin, hợp chất polyphenol thuộc nhóm hóa học flavonoid. Epigallocatechin-3-gallate (EGCG) là hợp chất phong phú và có hoạt tính sinh học nhất trong trà xanh. EGCG có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, là chất thu gom ROS/RNS cũng như chức năng chống viêm, điều chỉnh phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào T.

Me rừng (Phyllanthus emblica L): Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng P. emblica có khả năng chống oxy hóa ở mức độ cao nhờ hàm lượng cao các hợp chất polyphenolic và vitamin C. Các hợp chất polyphenolic có vai trò dọn dẹp ROS/RNS, chống oxy hoá và tăng cường miễn dịch. Thật vậy, chiết xuất từ trái cây có thể ức chế quá trình oxy hóa lipid và loại bỏ các gốc tự do như gốc anion superoxide, gốc hydro, hydro peroxide và gốc oxit nitric.

Một nghiên cứu đã nghiên cứu tác dụng của việc bổ sung chiết xuất trái cây bằng đường uống với vitamin E và carotenoid đối với quá trình tái tạo sắc tố ở bệnh nhân bạch biến sau khi điều trị bằng ánh sáng. Đáng chú ý, tỷ lệ tái tạo sắc tố cao hơn đã được quan sát thấy trong trường hợp bổ sung hỗn hợp chống oxy hóa. Ăn 2-3 phần quả tươi mỗi ngày, có thể đạt được lượng hợp chất khuyến nghị.

Piperine (trong hạt tiêu đen): Piperine là alkaloid chính của hạt tiêu đen được chứng minh là có tác dụng kích thích sự nhân lên của các tế bào sắc tố và sự hình thành các đuôi gai của tế bào sắc tố trong ống nghiệm. Do đó, piperine đã được đề xuất như một phương pháp điều trị khả thi đối với bệnh bạch biến trong giai đoạn tiếp xúc với tia cực tím.

Các nhà nghiên cứu lưu ý quá trình đồng phân hoá do tia cực tím gây ra với phân tử piperine dẫn đến mất khả năng liên kết với protein và hoạt động kích thích tế bào hắc tố. Do đó khi điều trị bạch biến bằng chiếu UV và piperine, chúng nên được sử dụng vào những thời điểm khác nhau.

Bạch quả (Gingko biloba): Ngày nay, chiết xuất lá bạch quả được tiêu chuẩn hóa trở thành một trong những sản phẩm dược liệu phổ biến (GBE). GBE được tiêu chuẩn hóa bao gồm hai thành phần chính: terpene trilactones (TTL) (ginkgolides và bilobalide) ở nồng độ 5,4–6,6% và flavonoid (quercetin, kaempferol, và isorhamnetin) 22–27% dịch chiết. Cả TTL và flavonoid đều có hoạt tính chống oxy hóa mạnh thông qua các cơ chế riêng biệt.

Dương xỉ (Polypodium leucotomos): Chiết xuất P. leucotomos có các đặc tính có lợi cho da, do sự hiện diện của nhiều hợp chất trong chiết xuất có đặc tính chống oxy hóa và bảo vệ da. Đối với các đặc tính của nó, chiết xuất P. leucotomos đã được nghiên cứu để điều trị các tình trạng da khác nhau bao gồm cả bệnh bạch biến. Sử dụng P. leucotomos bằng đường uống giúp ngăn ngừa các tác động quang hóa của ánh sáng mặt trời, chẳng hạn như tăng sắc tố và thay đổi kết cấu.

ThS.BSNT. Nguyễn Mạnh Tân, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Da liễu Trung ương

ThS.BSNT. Nguyễn Mạnh Tân