Làm đẹp

Đột quỵ khi tập Gym, sơ cứu thế nào để thoát cửa tử?

  • Tác giả : Thúy Nga
Một người đàn ông 42 tuổi đang tập Gym thì bất tỉnh, sau đó tử vong trước khi được đưa đi cấp cứu. Thực tế không chỉ người bình thường mà cả vận động viên chuyên nghiệp khi tập luyện vẫn xảy ra đột tử. Cần biết cách tránh.

“Việc người dân tập thể dục nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện thì có thể xảy ra chấn thương, gây ra các bệnh lý tim mạch, hô hấp thậm chí là gây nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...”, PGS.TS Võ Tường Kha, Chủ nhiệm bộ môn y học thể thao, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cảnh báo.

Vận động viên chuyên nghiệp, thể chất tốt vẫn bị đột tử

Khoảng 18h26 ngày 19/10, nhiều người trong phòng tập Gym tại Hà Nội phát hiện anh H., 42 tuổi có biểu hiện bất thường khi đang chạy trên máy tập, nên đã đỡ anh đặt xuống sàn phòng tập, rồi thực hiện sơ cứu. Tuy nhiên, anh H. đã tử vong trước khi xe cấp cứu tới.

Đột quỵ khi tập Gym, sơ cứu thế nào thoát cửa tử? - Ảnh minh họa

Đột quỵ khi tập Gym, sơ cứu thế nào thoát cửa tử? - Ảnh minh họa

“Người bình thường trước khi chơi thể thao nên kiểm tra thể lực, gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: Bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp… Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân nên chọn môn tập và khối lượng vận động phù hợp để tránh tai biến.

Trước mỗi buổi tập cũng cần đánh giá tình trạng thể lực có đảm bảo để tập, thời gian, khối lượng vận động, điều kiện thời tiết, phòng tập, sân tập, dụng cụ tập... có phù hợp hay không.

Chuẩn bị nước uống, dinh dưỡng bổ sung trong quá trình luyện tập nếu không sẽ bị kiệt sức, thiếu năng lượng; Lưu ý khởi động trước tập, tập xong phải thả lỏng, hồi phục.

Nếu thấy các dấu hiệu như: Đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, huyết áp tăng hoặc giảm, tim đập bất thường, mạch nhanh quá mức… phải đi khám ngay”, PGS.TS Kha khuyên.

PGS.TS Võ Tường Kha nhận định, đây là trường hợp đột tử trong khi tập luyện thể thao, cụ thể là tập Gym. Đột tử trong tập luyện không chỉ xảy ra với người bình thường mà cả với các VĐV chuyên nghiệp thuộc các đội tuyển quốc gia - những người có tố chất thể lực khỏe nhất.

Họ được tập luyện cùng chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng khoa học để chuẩn bị thể lực tốt nhất về vận động, tim mạch, hô hấp, thần kinh... Tuy nhiên, các bệnh lý cấp tính, đột quỵ vẫn thường xảy ra khi họ thi đấu, tập luyện thể thao cường độ cao.

Việc người dân tập thể dục nâng cao sức khỏe là rất tốt, nhưng nếu không đảm bảo an toàn tập luyện thì có thể xảy ra chấn thương, gây ra các bệnh lý tim mạch, hô hấp thậm chí là gây nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...

Thực tế cũng đã ghi nhận nhiều người bị đột tử trong khi đang đá bóng, thi đấu các môn thể thao... vào viện cấp cứu thì đã ngừng tim, không thể cứu được. Đây đều là những thanh niên trẻ 30-40 tuổi...

Theo PGS.TS Võ Tường Kha, thực chất tập gym là tập phát triển cơ bắp, sức bền cơ, là môn Bodybuilding.

Đặc điểm bài tập Bodybuilding là bài tập sức bền mạnh, bằng cách nâng dần lượng vận động (cường độ, thời lượng, số lần lặp lại) lên hoạt động co một số nhóm cơ nhất định.

Hoạt động này cần gắng sức tối đa, duy trì trong thời gian ngắn, lặp đi lặp lại, nguồn năng lượng tham gia hoạt động co cơ là từ nguồn liên kết giàu năng lượng creatine phosphate và từ nguồn đường phân yếm khí glycolytic dẫn đến toan chuyển hóa, nợ oxy rất lớn.

Tiếp theo cơ thể mới sử dụng nguồn năng lượng oxy hóa khử khi buổi tập kéo dài.

Vì vậy, hệ thống năng lượng được huy động tối đa trong thời gian ngắn, kèm theo hệ thống tuần hoàn (tim, mạch), hệ thống thăng bằng kiềm toan bị kích hoạt hoạt động mạnh với sự kích thích tối đa hệ thần kinh giao cảm hoạt động.

Kết quả là nguồn liên kết giàu năng lượng giảm nhanh, lượng đường giảm, toan chuyển hóa, nợ oxy, nhịp tim đạt tối đa, huyết áp tăng tối đa... Vì vậy nguy cơ đột tử có thể xảy ra.

Nguy cơ cao hơn khi người bệnh hạ đường huyết, tập khi đói, tập khi thể lực yếu, tập gắng sức, thao tác, kỹ thuật xử lý chưa chuẩn...

Tất cả đều có thể dẫn đến gây kích thích hệ thần kinh giao cảm, gây co mạch, tăng huyết áp đột ngột, nhịp tim tăng cao dẫn đến rung nhĩ, rung thất, cuồng động nhĩ…, hậu quả tim bóp rỗng gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ tim.

Hoặc thiếu oxy lên não gây tổn thương tế bào não, vỡ mạch máu não, gây hôn mê, đột tử...

Tầm soát, chẩn đoán sớm là hết sức cần thiết để giảm thiểu nguy cơ khi tập luyện - Ảnh minh họa

Tầm soát, chẩn đoán sớm là hết sức cần thiết để giảm thiểu nguy cơ khi tập luyện - Ảnh minh họa

Tầm soát, chẩn đoán sớm là hết sức cần thiết để giảm thiểu nguy cơ

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, nguyên nhân đột tử ở VĐV trẻ tuổi do: Bệnh cơ tim phì đại là 36%; Bất thường bẩm sinh, mắc phải của động mạch vành là 23%; Nghi ngờ bệnh cơ tim phì đại 8%; Viêm cơ tim 6%; Loạn sản thất phải gây rối loạn nhịp 4%; Sa van 2 lá 3%; Vỡ phình động mạch chủ 3%, hẹp van động mạch chủ 2%; Bệnh cơ tim giãn 2%... Nguyên nhân khác 5%.

Vì vậy, theo PGS.TS Hiếu, tìm hiểu cơ chế, ảnh hưởng của hoạt động thể lực lên hệ thống tim mạch và có các phương pháp tầm soát, chẩn đoán sớm là hết sức cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến cố đột tử đáng tiếc.

BSCKI Nguyễn Đức Hưng, Phó khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cảnh báo, nhiều trường hợp mắc bệnh lý tim mạch không có triệu chứng.

Khi người bệnh hoạt động gắng sức phải lấy năng lượng nhiều hơn, tăng chuyển hóa cơ bản, mất nước và điện giải khiến những bệnh lý tim mạch tiềm ẩn bị khởi kích, như loạn nhịp nguy hiểm hoặc kích thích nghẽn đường ra thất trái trong bệnh cơ tim phì đại…, hậu quả ngừng tim phổi, đột tử nếu không cấp cứu kịp thời.

Việc sơ cứu, cấp cứu cần nhanh, đúng quy trình và chuyên môn.

Để phòng ngừa các tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra, BS Hưng khuyên, trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, người dân đều cần phải kiểm tra sức khỏe bao gồm kiểm tra tổng quát và kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên sâu tim mạch, hô hấp, tuần hoàn.

Đặc biệt, người dân cần khởi động kĩ càng trước khi tập luyện và vận động tăng dần. Trong quá trình tập luyện người dân cần phải "lắng nghe cơ thể", khi thấy bất thường cần dừng lại và đi khám kịp thời.

Cách xử trí khi có đột quỵ

- Ngay lập tức gọi cấp cứu 115 vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất. Tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để “cứu não”.

- Để giúp người bệnh thở tốt, cần giữ thông thoáng môi trường chung quanh trong khi chờ xe cấp cứu. Đặt người bệnh nằm trên một mặt phẳng nếu bệnh nhân còn tỉnh táo. Cần đặt bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng an toàn nếu có bất cứ dấu hiệu suy giảm ý thức hoặc dấu hiệu nôn mửa.

- Tuyệt đối không tự ý điều trị cho bệnh nhân bằng bấm huyệt, châm cứu, đánh gió. Không cho bệnh nhân ăn uống hay dùng thuốc.

- Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) đến khi tim đập lại trong trường hợp bệnh nhân không có mạch hoặc ngừng thở.

Thúy Nga