KHOẺ ĐẸP

Vì sao thị lực của trẻ trong giai đoạn 0-6 tuổi lại quan trọng?

  • Tác giả : Trương Hiền
Từ lúc mới sinh ra đến 6 tuổi, thị lực của trẻ phát triển không ngừng và đây chính là “giai đoạn vàng” để hình thành chức năng thị giác hoàn chỉnh.

Thị lực là một trong những giác quan quan trọng nhất giúp trẻ tiếp cận và khám phá thế giới xung quanh. Từ lúc mới sinh ra đến 6 tuổi, thị lực của trẻ phát triển không ngừng và đây chính là “giai đoạn vàng” để hình thành chức năng thị giác hoàn chỉnh. Việc phát hiện, theo dõi và can thiệp sớm các vấn đề về mắt trong giai đoạn này sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả về lâu dài, ảnh hưởng đến học tập và chất lượng cuộc sống.

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet

Thị lực của trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh. Khi mới sinh, trẻ chỉ có thể nhìn rõ ở khoảng cách 20–30 cm, vừa đủ để nhìn thấy khuôn mặt mẹ. Sau vài tháng, trẻ bắt đầu nhận biết màu sắc, hình khối, khoảng cách, đến khoảng 3-4 tuổi, thị lực mới gần tiệm cận mức của người lớn. Tuy nhiên, nếu trong giai đoạn này mắt bị ảnh hưởng bởi các tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), lác mắt, nhược thị… mà không được phát hiện sớm, thì hệ thống thị giác sẽ phát triển lệch lạc. Khi trẻ qua 6 tuổi – giai đoạn phát triển thị lực gần như đã hoàn tất – thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn và ít hiệu quả hơn.

Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mắt của trẻ:

Yếu tố di truyền: Cha mẹ có tật khúc xạ thì con cũng có nguy cơ cao.

Sinh non, nhẹ cân: Trẻ sinh thiếu tháng thường có nguy cơ mắc các bệnh lý võng mạc.

Thiếu dinh dưỡng: Đặc biệt là thiếu vitamin A và các vi chất thiết yếu.

Tiếp xúc sớm với thiết bị điện tử: Trẻ dùng màn hình quá sớm và quá lâu có thể bị rối loạn điều tiết và cận thị sớm.

Ánh sáng không phù hợp: Học tập trong môi trường thiếu ánh sáng hoặc ánh sáng chói quá mức đều ảnh hưởng đến mắt.

Thói quen sinh hoạt xấu: Dụi mắt, đọc sách khi nằm, không giữ khoảng cách khi xem…

Cha mẹ có vai trò như thế nào?

Chủ động theo dõi và phát hiện sớm: Cha mẹ chính là người ở bên trẻ nhiều nhất trong giai đoạn đầu đời. Hãy để ý những dấu hiệu bất thường như:Trẻ hay dụi mắt, nheo mắt khi nhìn; Trẻ nghiêng đầu, xoay người để nhìn vật gì đó. Trẻ không nhận biết đồ vật ở xa hoặc có vẻ “vô tâm” với môi trường xung quanh. Mắt trẻ bị lác hoặc không phối hợp nhịp nhàng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được kiểm tra càng sớm càng tốt.

Đưa trẻ đi khám mắt định kỳ: Theo khuyến cáo của các tổ chức nhãn khoa, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt ở các mốc: 6 tháng tuổi để kiểm tra sự phát triển ban đầu của mắt; 3 tuổi để phát hiện các tật khúc xạ, lác, nhược thị; 5-6 tuổi trước khi trẻ bước vào lớp 1 – thời điểm mắt cần hoạt động nhiều hơn để học tập. Việc khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm vấn đề và can thiệp kịp thời, tránh để lại di chứng thị giác suốt đời.

Xây dựng môi trường sống tốt cho mắt: Cha mẹ có thể chủ động tạo ra môi trường sinh hoạt thân thiện với đôi mắt của trẻ:

Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử: Trẻ dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình. Trẻ từ 3–6 tuổi nên sử dụng thiết bị tối đa 1 giờ/ngày, có nghỉ xen kẽ.

Cho trẻ chơi ngoài trời mỗi ngày: Các nghiên cứu cho thấy ánh sáng tự nhiên giúp làm chậm quá trình tiến triển cận thị. 1–2 giờ/ngày là lý tưởng.

Đảm bảo ánh sáng học tập phù hợp: Ánh sáng không quá tối, không bị bóng đổ, không phản chiếu từ thiết bị/mặt bàn vào mắt trẻ.

Giữ khoảng cách khi đọc – viết – xem: Mắt cách sách khoảng 30–40 cm; cách màn hình ít nhất 50 cm.

Tạo thói quen nghỉ ngơi cho mắt: Dạy trẻ nguyên tắc 20-20-20 (mỗi 20 phút hoạt động gần, nên nhìn xa 20 feet (~6m) trong 20 giây).

Chú trọng dinh dưỡng cho mắt: Chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất giúp mắt phát triển khỏe mạnh. Những dưỡng chất cần thiết bao gồm: Vitamin A có trong cà rốt, bí đỏ, gan động vật; Lutein, zeaxanthin có trong rau lá xanh như cải bó xôi, cải xoăn; Omega-3 có trong cá hồi, cá thu, hạt chia, óc chó; Vitamin C, E, kẽm có trong các loại quả mọng, cam, đu đủ, hạt hướng dương…Thay vì sử dụng thực phẩm chức năng, hãy ưu tiên dinh dưỡng tự nhiên, đa dạng và cân đối cho trẻ từ bữa ăn hàng ngày.

Làm gương cho con: Trẻ nhỏ học bằng cách quan sát. Nếu cha mẹ thường xuyên sử dụng điện thoại, tivi trong thời gian dài, con cũng sẽ bắt chước. Hãy cùng con chơi các trò chơi vận động, đọc sách tranh, làm thủ công, khám phá thiên nhiên… để đôi mắt được nghỉ ngơi và phát triển đúng cách.

Nhận thức đúng để hành động đúng

Một số phụ huynh nghĩ rằng “trẻ con còn nhỏ thì chưa cần lo mắt”, hoặc “đợi đến khi trẻ đi học mới khám”. Đây là quan niệm sai lầm. Những bệnh lý về mắt nếu phát hiện muộn – nhất là nhược thị – sẽ rất khó điều trị khi trẻ lớn. Mắt trẻ phát triển nhanh nhất trong 6 năm đầu đời, nhưng cũng rất “nhạy cảm” trong giai đoạn này. Hành động kịp thời của cha mẹ sẽ giúp con giữ được đôi mắt sáng khỏe suốt đời.

Giữ gìn thị lực cho trẻ 0-6 tuổi không phải là một nhiệm vụ quá phức tạp, nhưng đòi hỏi sự hiểu biết, kiên nhẫn và chủ động từ phía cha mẹ. Một đôi mắt khỏe mạnh không chỉ giúp trẻ học tập tốt hơn mà còn mở ra cánh cửa để khám phá thế giới với đầy đủ màu sắc, hình ảnh và cảm xúc. Hãy bắt đầu chăm sóc mắt cho con ngay từ hôm nay – bằng những hành động nhỏ, nhưng mang ý nghĩa to lớn cho tương lai.

Trương Hiền