Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Đồng Nai, trong 81 công trình cấp nước được đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước, có đến 51 công trình không hoạt động hiệu quả, trong đó 32 công trình đã hư hỏng, ngưng hoạt động và đã thực hiện đấu nối.
Điển hình là huyện Định Quán, có 28 công trình cấp nước tập trung, nhưng chỉ có 16 công trình hoạt động bình thường, với công suất thực tế chỉ đạt 1.240m3/ngày, cấp nước cho hơn 15,5 ngàn người, chỉ đạt hiệu suất gần 35,5% so với thiết kế.
12 công trình còn lại đã hư hỏng, xuống cấp, đều khai thác nguồn nước ngầm, lấy mẫu nước không đạt tiêu chuẩn, đang được địa phương rà soát, thanh lý.
Công trình cấp nước tập trung tại xã Lang Minh, H.Xuân Lộc (ảnh: Báo Đồng Nai) |
Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa, bảo trì công trình chưa được thực hiện đúng quy định. Nhiều công trình có quy mô nhỏ, do UBND cấp xã, thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác quản lý, vận hành, nhưng cán bộ, công nhân không được đào tạo, tập huấn về kỹ thuật, nghiệp vụ cấp nước. Nhiều công trình không có hệ thống xử lý nước hoặc hệ thống xử lý nước bị hư hỏng, không khắc phục kịp thời, dẫn đến nguồn nước và chất lượng nước không đảm bảo theo tiêu chuẩn.
Ngay cả những công trình cấp nước tập trung còn hoạt động bình thường, hiệu quả hoạt động cũng rất thấp. Theo Sở, 30 công trình này có công suất thiết kế hơn 19 ngàn m3/ngày đêm, nhưng công suất thực tế chỉ mới khoảng 9,6 ngàn m3/ngày đêm, đạt hiệu suất 50,3% so với thiết kế.
Theo kết quả ngoại kiểm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn Đồng Nai năm 2023 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, có 154/220 mẫu nước có các thông số không phù hợp theo QCVN 01-1/2018/BYT, chiếm tỷ lệ 70%.
Đặc biệt, trong 102 mẫu nước của các cơ sở cấp nước nhỏ lẻ, có đến 99 mẫu không đạt, chiếm đến hơn 97%. Nhiều chỉ tiêu không đạt ảnh hưởng đến sức khỏe như: các hàm lượng kim loại nặng (nitrat, nhôm), clo dư, vi sinh vật…
Trước tình trạng này, Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị các cơ sở cấp nước phải thực hiện nghiêm túc việc lập và quản lý hồ sơ chất lượng nước, tuân thủ chế độ nội kiểm chất lượng nước, công khai thông tin chất lượng nước và công bố hợp quy chuẩn chất lượng nước, báo cáo định kỳ theo quy định.
Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn nước, có phương án can thiệp kịp thời khi chất lượng nguồn nước nguyên liệu bị giảm sút; kịp thời khắc phục các sự cố gây ảnh hưởng đến chất lượng nước.