KINH TẾ

Doanh nghiệp nói chăn nuôi thua lỗ gấp 10 lần Vietnam Airlines

  • Tác giả : Khánh Phương
Năm 2021, các công ty chăn nuôi trong nước cho biết dự kiến bị lỗ cao gấp 10 lần khoản lỗ của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021" ngày 9/10, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành chăn nuôi như ông Lê Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Emivest Việt Nam - cho biết thông tin trên.

chan-nuoi-1.jpg
Năm 2021, các công ty chăn nuôi và nông dân trong nước dự kiến bị lỗ cao hơn 10 lần khoản lỗ của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) công bố vừa qua.

Cổ đông Nhà nước chi gần 6.900 tỷ đồng "giải vây" cho Vietnam Airlines

Dựa trên thống kê 2020 của Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT, tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi ước đạt 20 triệu tấn/năm, trong khi giá nguyên liệu vật tư đầu vào hiện nay do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt giá thức ăn, đã tăng lên 16 - 36%.

Còn giá sản phẩm gia cầm cũng xuống thấp dưới giá thành từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, không đủ bù đắp chi phí sản xuất chăn nuôi.

Cụ thể, giá gà công nghiệp trắng những ngày gần đây ở các tỉnh, thành phía Bắc khoảng 25.000 đồng/kg, trong khi ở phía Nam từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Giá vịt đến tháng 9/2021 hiện đạt 40.000 - 45.000đồng/kg. Giá trứng gà dao động khoảng 300 - 500 đồng/quả.

Giá một số loại gia súc lớn khác cũng không cao. Giá bò thịt dao động từ 85.000 - 100.000 đồng/kg. Giá dê thịt ở mức 120.000 - 140.000 đồng/kg.

Trước đó, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị trực tuyến “Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022.”

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn), một trong những nguyên nhân chính khiến các nhà chăn nuôi thua lỗ là do dịch bệnh Covid-19 khiến đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi.

chan-nuoi.jpg
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, khi dịch Covid-19 được khống chế, nhu cầu thực phẩm  dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán sắp đến sẽ tăng cao. Ảnh minh họa 

Ví dụ, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn duy trì phát triển hiện tổng đàn lợn thịt trên 6 triệu con. Nhưng do giãn cách xã hội vì Covid-19, khoảng 30% đàn lợn quá lứa hiện còn ứ đọng chưa bán được. Còn đàn gia cầm tiếp tục phát triển nhưng do nhu cầu thị trường giảm, lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng vẫn còn cao.

“Lĩnh vực chăn nuôi những tháng cuối năm vẫn đối mặt với nhiều khó khăn ở khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm, vật tư phục vụ sản xuất chăn nuôi” - ông Trọng đánh giá.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng: “Khi dịch Covid-19 được khống chế, nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán sắp đến sẽ tăng cao. Cục Chăn nuôi phải cân đối cung - cầu, căn cứ vào đặc điểm sinh học của từng đối tượng để tính toán chu kỳ sản xuất”

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi đề nghị, cần có cơ chế để các doanh nghiệp chủ động tái đàn nhằm cung cấp thực phẩm cho cuối năm. Còn các tỉnh, thành phố không giãn cách xã hội tiếp tục duy trì, tiến tới tăng phát triển chăn nuôi để hỗ trợ cho những địa phương đang giãn cách xã hội.

Khánh Phương