KINH TẾ

Doanh nghiệp chăn nuôi thiếu hụt lao động

  • Tác giả : Quốc Trọng
Ngành chăn nuôi không chỉ thiếu lao động để sản xuất, mà khâu vận chuyển, giết mổ, pha chế cũng đang lâm vào tình trạng tương tự

Theo Cục chăn nuôi, ngành này đang đối diện với muôn vàn khó khăn. Cụ thể, ảnh hưởng của Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng nên giá vật tư đầu vào của sản xuất tăng cao, đặc biệt là giá nguyên liệu thức ăn, làm cho giá thành sản phẩm chăn nuôi tăng rất cao. 

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, các nhà máy, cơ sở sản xuất, giết mổ, chế biến theo ông Trọng đang có tình trạng ngưng sản xuất vì thiếu hụt lực lượng lao động do bị nhiễm Covid-19. 

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho hay, hầu hết công nhân của Công ty hiện đã tiêm văcxin mũi 1 trên 2 tháng rồi, có người 3 tháng mà chưa được tiêm mũi 2.

“Nếu không có văcxin thì dù có thêm lương, thưởng cao đến mấy, Công ty cũng chỉ giữ được nhiều nhất là 50% lượng công nhân làm việc, bà Phạm Thị Huân chia sẻ.

“Chúng tôi sẵn sàng tổ chức sản xuất để đảm bảo chuỗi cung ứng, nhưng nếu tình trạng như thế này kéo dài lâu, tâm lý người lao động sẽ ảnh hưởng", bà Huân bày tỏ.

 Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, giá gà lông màu trên địa bàn tỉnh trong tháng 8/2021 đã giảm 30 - 40% so với giai đoạn bình thường trước đó. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như TP.HCM, Bình Dương, Long An giảm mạnh vì giãn cách xã hội.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho biết: "Công nhân là tài sản dài hạn của doanh nghiệp. Để đào tạo một người lao động lành nghề mất rất nhiều thời gian, công sức. Vì thế Bộ NN-PTNT và các Bộ, ban, ngành liên quan cần có chính sách ưu tiên dành văcxin để tiêm cho đối tượng này". 

Ngoài thiếu hụt lao động, ngành chăn nuôi cũng đang gặp khó khi vẫn còn nhiều vướng mắc trong lưu thông và tiêu thụ hàng hóa. Hiện một số địa phương vẫn chưa thống nhất với quy định về lưu thông hàng hoá.

Nhiều nơi còn quy định người ngồi trên phương tiện vận chuyển bắt buộc phải có kết quả phân tích PCR, không chấp nhận test nhanh, và chỉ chấp nhận kết quả trong 24 hoặc 48 giờ. 

Hiện nay, cơ bản ngành chăn nuôi vẫn cung ứng đủ nhu cầu trong nước. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế khôi phục vào cuối tháng 9, ngành chăn nuôi có thể hồi phục trong tháng tiếp theo và đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn thời gian dự kiến này thì nguồn cung sẽ giảm khoảng 20% đến Tết Nguyên đán.

Nếu Covid-19 kéo dài, người chăn nuôi thua lỗ, nhiều nhà máy sản xuất thức ăn vừa và nhỏ có thể bị phá sản, mất cân đối cung cầu và chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy.

Theo ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, hiện giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi giảm, ảnh hưởng tiêu cục tới thu nhập của người nông dân trong chuỗi liên kết.

Đồng thời, duy trì hoạt động là vấn đề sống còn của các cơ sở sản xuất, do đó ông Vũ Anh Tuấn kiến nghị ngành NNPTNT cần giúp các doanh nghiệp trpng nhành được tiếp cận nguồn vaccine. Đặc biệt là lực lượng lao động sản xuất và đội ngũ tài xế giao hàng.

Xác nhận khó khăn này của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương quan tâm và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm nói chung.

Thứ trưởng Tiến nhận mạnh, đằng sau hàng chục nghìn người lao động trong ngành chăn nuôi là hàng chục triệu hộ nông dân, là chuỗi lương thực, thực phẩm không thể bị đứt gãy, vì có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội.

Trước mắt, theo Thứ trưởng Tiến, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu... làm thức ăn gia súc. Tuy nhiên, để hỗ trợ các doanh nghiệp được tốt, Thứ trưởng Tiến đề nghị các địa phương có chính sách cả về tài chính, lưu thông hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp sớm ổn định sản xuất, cung ứng hàng hóa tới người dân.

Quốc Trọng