KINH TẾ

Giải pháp nào cho thức ăn chăn nuôi Việt Nam?

  • Tác giả : PV
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu thức ăn nhập ngoại khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước liên tục “phi mã”. Đã đến lúc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước một cách căn cơ, bài bản.

Phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu ngoại nhập

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết, mặc dù là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở tốp đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp nước ta vẫn phải nhập khẩu 70 - 85% nguyên liệu từ nước ngoài. Điều này dẫn đến ngành chế biến TĂCN công nghiệp của Việt Nam phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu như năm 2019, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN là 6,862 tỷ USD, thì trong năm 2020 là 7,162 tỷ USD với lượng trên 20 triệu tấn; 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu TĂCN đã lên đến 3,903 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái).

Bà Đinh Thị Thúy Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) - cũng nêu rõ, sự phụ thuộc vào nguyên liệu ngoại nhập đã khiến giá TĂCN trong nước trong hơn nửa năm qua đã liên tục “phi mã” bởi giá TĂCN trong thời gian qua liên tục tăng trên thị trường quốc tế. Cụ thể, tại thị trường Chicago (Mỹ), 6 tháng đầu năm 2021 bình quân chỉ số giá TĂCN đã tăng 49,32% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó dẫn đến giá TĂCN trong nước luôn cao hơn mặt bằng chung của thế giới, khiến sản phẩm thịt, trứng, sữa sản xuất trong nước chịu lép vế về giá so với hàng nhập khẩu cùng loại.

Cần chủ động nguồn cung trong nước

Theo dự báo của VIPA, nhu cầu nguyên liệu TĂCN của Việt Nam sẽ cần khoảng 28 -  30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11 - 12%/năm. Tuy nhiên, nguồn cung và giá nguyên liệu TĂCN trên thế giới rất khó dự đoán, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Vì vậy, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu TĂCN dài hạn và bài bản. Cần phát triển các giống cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học làm TĂCN có năng suất và sản lượng cao góp phần giảm thiểu nhập khẩu ngô và đỗ tương, nhằm hạ giá thành TĂCN sản xuất trong nước.

Ông Trần Trọng Nghĩa, đại diện Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ cho biết, những nước đang cung cấp nguồn TĂCN trên thế giới bao gồm năng lượng (ngô) và protein (đậu tương) cũng là các quốc gia hàng đầu về canh tác và sản xuất cây trồng biến đổi gene (BĐG). Thị trường thế giới không phân biệt ngô được sản xuất từ giống thông thường hay giống BĐG trong sản xuất TĂCN. Hiện ngô BĐG đang chiếm 75% nguồn cung trên toàn cầu và là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nhập khẩu nguyên liệu TĂCN về cả khối lượng lẫn giá trị.

Báo cáo “Tác động kinh tế xã hội của ngô BĐG giai đoạn 2015 – 2019 tại Việt Nam” cho thấy, ngô BĐG đã giúp tăng năng suất thu hoạch thêm 30,4% (tương đương tăng thêm 2,03 tấn hạt tươi/ha hay 1,27 tấn hạt khô đã bỏ lõi/ha) so với các giống ngô lai truyền thống. Như vậy nếu mở rộng diện tích gieo trồng các giống ngô này sẽ bổ sung thêm nguồn cung ngô hạt trong chuỗi TĂCN, đồng thời giúp nâng cao thu nhập nông hộ từ 3.75 – 6.65 triệu đồng/ha. Đây là lợi ích đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, khi đảm bảo sinh kế cho nông dân, đẩy mạnh chuỗi cung ứng tại chỗ và đảm bảo an ninh lương thực.

PV