Giáo dục

Điểm chuẩn khối C dự kiến tăng, khi nào nên điều chỉnh nguyện vọng?

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, điểm chuẩn khối C dự kiến sẽ tăng. Nhưng nếu điểm thi tốt nghiệp bằng hoặc cao hơn điểm chuẩn năm trước từ 1 - 2 điểm thì không nên xáo trộn nguyện vọng, tránh trượt ngành mình yêu thích nhất.

Điểm chuẩn khối C có thể tăng tới 2 điểm

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về dự báo điểm chuẩn khối C năm nay, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, căn cứ vào công bố điểm thi tốt nghiệp THPT và phổ điểm theo khối xét tuyển đại học năm 2020 có thể thấy, điểm các môn đều tăng. Riêng đối với khối C, phổ điểm tăng từ 1 - 2 điểm, thậm chí cá biệt lên tới 3 điểm tùy từng địa phương.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Điểm thi tăng sẽ dẫn tới điểm chuẩn vào các trường cũng sẽ tăng, dự kiến điểm chuẩn khối C năm nay sẽ tăng trong khoảng từ 0 - 1 hoặc 1,5 điểm, thậm chí có ngành, lĩnh vực lên tới khoảng 2 điểm.

Theo ông Tuấn, dự báo điểm chuẩn năm nay tăng không chỉ căn cứ ở phổ điểm mà còn ở một số yếu tố. Trong đó có việc phần lớn học sinh dự kiến đi du học chọn ở lại học trong nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đặc biệt, lượng thí sinh thi tốt nghiệp sau đó có đăng ký để xét tuyển đại học nhích lên. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ổn định.

Như vậy, nhiều người dự thi, nhiều người đăng ký, trong khi chỉ tiêu ổn định như những năm trước, cho nên điểm sàn và điểm chuẩn khối C dự kiến đều sẽ tăng.

Đối với Trường ĐH KHXH&NV, ông Tuấn cho biết, dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng khoảng từ 0-1 điểm. Cá biệt có một số ngành, tùy vào lượng đăng ký hồ sơ của các thí sinh cao thì sẽ tăng lên khoảng 1,5 điểm.

Cụ thể, năm nay, Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn tuyển sinh ở 31 chương trình đào tạo, trong đó có một số chương trình chỉ lấy điểm ở khối A và D vì đặc thù của ngành đào tạo. Ví dụ, ngành về Đông Nam Á học, Quản trị lữ hành, Quản trị khách sạn, Nhật Bản học, chủ yếu tuyển sinh khối D, một ít khối A.

Điểm khối D mọi năm có xu hướng thấp hơn điểm khối C vì phổ điểm các môn thấp hơn điểm khối C. Năm nay, điểm chuẩn nhóm khối ngành khối D dự kiến sẽ khoảng từ 20 - 24 điểm.

Khối C có nhóm phân hóa top trên sẽ rơi vào khoảng từ 24-26-27 điểm. Ví dụ, những ngành như Đông phương học, Báo chí, Quan hệ công chúng, Tâm lý học… thường là những ngành có điểm tương đối cao.

Còn nhóm ngành nằm ở top giữa thì rơi vào khoảng 22-23-24 điểm. Đó là những ngành như Quốc tế học, Công tác xã hội, Xã hội học, Quản trị văn phòng, Quản lý thông tin…

Một số ngành ở top điểm thấp của trường, rơi vào khoảng từ 18 - 19 điểm trở lên đến 22 – là những ngành mang tính khoa học cơ bản, như Triết học, Văn học, Ngôn ngữ, Sử học, hoặc các ngành Thông tin - thư viện.

Tuyệt đối không xới tung đăng ký nguyện vọng

Trong bối cảnh điểm thi tốt nghiệp tăng, việc thay đổi, sắp xếp nguyện vọng thế nào để có khả năng trúng tuyển được vào ngành yêu thích nhất… là băn khoăn của nhiều thí sinh.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, khi thay đổi nguyện vọng, các em cần có sự bình tĩnh, suy tính một cách thận trọng, vì vẫn còn nhiều thời gian để làm việc này.

Một số điểm mà các em cần lưu ý khi thay đổi nguyện vọng: Thứ nhất, các em cần nhìn vào điểm của mình, so sánh với điểm sàn, điểm chuẩn năm ngoái và điểm dự kiến năm nay của những ngành, trường mà mình dự kiến đăng ký vào.

Về cơ bản, năm nay điểm tăng đồng đều ở tất cả các khối, có thể ở ngưỡng từ 0-1-2 điểm. Với khối tự nhiên có thể tăng nhiều hơn, từ 3 - 4 điểm cho từng tổ hợp.

Có nghĩa là nếu như điểm thi tốt nghiệp của em ở tổ hợp mà em dự kiến đăng ký bằng hoặc cao hơn so với điểm chuẩn năm ngoái khoảng từ 1 - 2 hoặc 3 điểm thì về cơ bản là nằm trong ngưỡng “an toàn”. Khi đó, các em có thể tự tin giữ nguyên nguyện vọng, không nên xáo trộn quá nhiều.

Bởi vì, khi đăng ký nguyện vọng trong đợt đầu tiên, các em đã xác định được sở thích, đam mê, năng lực, sở trường của mình về ngành học đó rồi, các em nên kiên trì. Trừ trường hợp, ở thời điểm hiện tại, các em hoàn toàn thay đổi đam mê, sở thích thì mới nên thay đổi nguyện vọng.

Thứ hai, thay vì xáo trộn, thì các em nên tăng cường đăng ký các nguyện vọng, bổ sung thêm một số nguyện vọng của ngành gần với ngành mà mình yêu thích ở những nguyện vọng sau. Ví dụ, gần với ngành công tác xã hội sẽ có xã hội học, nhân học… Những ngành này sẽ có nội dung, chương trình học tập gần nhau, công việc sau này sẽ gần nhau và các em vẫn có thể làm việc đúng với đam mê, sở thích của mình.

Còn ngành nào, trường nào mà các em thích nhất thì để lên hàng đầu, nguyện vọng 1. Bởi hiện tại, theo nguyên tắc xét tuyển đại học, đỗ nguyện vọng nào sẽ dừng ở nguyện vọng đó.

"Tóm lại, các em chỉ nên xáo trộn đăng ký nguyện vọng khi mà điểm thi của mình không thực sự như ý, dưới “ngưỡng an toàn”. Với điểm thi năm nay cao như vậy thì cần cân nhắc bổ sung thêm một số nguyện vọng để tăng cường cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, cố gắng chọn gần với những ngành mà mình thích nhất. Tuyệt đối không nên xới tung tất cả đăng ký lên. Bởi trong lúc suy tính không kỹ, đặt nguyện vọng không đúng trật tự logic, thay đổi một cách thiếu tính toán, có thể sẽ dẫn tới những kết quả đáng tiếc, trượt ngành học mà mình yêu thích nhất", ông Tuấn nói.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, điểm sàn của Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn năm nay như đã công bố, về cơ bản không thay đổi nhiều lắm so với năm ngoái. Bởi vì, số lượng hồ sơ nguyện vọng đăng ký của các em vào trường vẫn cơ bản như năm ngoái, phân bổ vào các ngành cũng vẫn như năm ngoái, không đột biến. Và đặc biệt, chỉ tiêu vào trường của Trường về cơ bản cũng như năm ngoái. Cho nên, các em có thể nhìn vào điểm sàn và điểm chuẩn năm ngoái để tham khảo trong việc điều chỉnh nguyện vọng.

Mai Loan