Giáo dục

Trường ĐH KHXH&NV tiết lộ “bí mật” điểm chuẩn ẩn trong điểm sàn

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - “Nếu để ý kỹ điểm sàn sẽ thấy, thực ra có các nhóm khác nhau. Đây không phải là sự ngẫu nhiên, mà chính là một thông điệp vừa ngầm vừa chính thức gửi tới các bậc phụ huynh và học sinh về mức điểm chuẩn”, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV tiết lộ.

Dự báo điểm chuẩn vô cùng khó

Rất nhiều trường ĐH trên cả nước đã công bố mức điểm sàn xét tuyển cùng với những dự báo về điểm chuẩn kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Đây cũng là thời điểm các thí sinh đã kết thúc 3 ngày điều chỉnh nguyện vọng “nháp” và chuẩn bị bước vào điều chỉnh nguyện vọng chính thức bắt đầu từ ngày 22/7.

Việc các trường công bố điểm sàn và có dự báo điểm chuẩn sẽ giúp các thí sinh có những thông tin để xem xét, cân nhắc, điều chỉnh lại nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều thí sinh tỏ ra hoang mang, khi cho rằng, chỉ là thông tin “tham khảo”, có khi “sàn” một đằng, “chuẩn” một nẻo, thậm chí, có luồng ý kiến cho rằng, điểm sàn chỉ là con số “lừa”.

Trao đổi với PV KH&ĐS về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Về lý thuyết và cả trong thực tế thì điểm chuẩn bao giờ cũng thường cao hơn điểm sàn.

Điểm sàn là điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các em. Còn điểm chuẩn sẽ lấy từ cao xuống thấp, và điểm chuẩn cao hay thấp phụ thuộc vào lượng thí sinh đăng ký.

Ví dụ, ngành A điểm sàn là 16, lấy 100 chỉ tiêu nhưng lại chỉ có 120 nguyện vọng đăng ký thì về cơ bản điểm chuẩn sẽ bằng với điểm sàn. Nhưng nếu là 1.000 nguyện vọng, thì có thể điểm chuẩn sẽ cao hơn rất nhiều.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, hiện tại, Trường ĐH KHXH&NV cũng đã biết được “sơ sơ” về lượng nguyện vọng đăng ký vào từng ngành, nhưng Trường chưa thể công bố được.

Bởi vì, từ ngày 22 – 29/7, đối với điều chỉnh nguyện vọng online, và đến ngày 31/7, đối với điều chỉnh bằng giấy, con số đó có thể sẽ còn thay đổi rất nhiều. Nên nói ra thời điểm này, sẽ là bất lợi cho các thí sinh, khi con số hiện tại là thấp, nhưng kết quả cuối cùng lại cao hoặc ngược lại.

Còn đến ngày cuối cùng đăng ký nguyện vọng, các trường cũng sẽ không biết được con số cụ thể, mà do Bộ quản lý dữ liệu. Sau đó, Bộ mới tổng hợp gửi về cho các trường.

“Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, các em hãy nhìn vào phổ điểm của năm ngoái của các trường để tham khảo, trường nào cũng vậy, không riêng gì đối với Trường ĐH KHXH&NV. Lý do là vì, hình thức thi không thay đổi, chỉ tiêu hầu như không thay đổi, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH so với năm 2018 cũng không thay đổi mấy”, ông Tuấn khuyên.

Đối với việc thí sinh băn khoăn về độ “tin cậy” trong việc dự báo điểm chuẩn của các trường, TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, dự báo điểm chuẩn các ngành là vô cùng khó. Nhưng những dự báo của Trường BK là có cơ sở, qua kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, số lượng nguyện vọng đăng ký thí sinh vào từng ngành, phổ điểm... Nên có thể nói rằng đó là những con số rất có trách nhiệm với thí sinh và khá chính xác với tất cả các ngành.

Bí mật điểm chuẩn có trong điểm sàn

Cho biết, điểm chuẩn sẽ phụ thuộc nhiều vào số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào từng ngành, tuy nhiên, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn đã “bật mí” một điều quan trọng.

“Trường ĐH KHXH&NV vừa công bố điểm sàn. Nếu thoạt nhìn vào, sẽ thấy “lẫn lộn”. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ sẽ thấy có sự phân loại trong điểm sàn theo những nhóm với mức điểm khác nhau.

Và khi phân biệt điểm sàn như vậy, là chúng tôi muốn gửi tới các bậc phụ huynh và học sinh thông điệp vừa ngầm, vừa chính thức về mức điểm chuẩn”, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn nói.

Giải thích kỹ hơn về điều này, ông Tuấn chia sẻ: “Tôi lấy ví dụ, vì sao ngành Đông phương học lấy điểm sàn cao (tổ hợp khối C 19 điểm, khối D 18 điểm)? Là vì điểm chuẩn sẽ cao. Ngành Khoa học quản lý thấp hơn Đông phương học 1 điểm, là bởi KH quản lý là nhóm ngành thứ 2. Và trong vòng 3 – 5 năm trở lại đây, điểm ngành này bao giờ cũng top 2 không phải là top đầu.

Còn ngành Lưu trữ học, Sử học, Triết học và top thứ 3 là bởi những ngành này bao giờ điểm chuẩn cũng là thấp nhất.

Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi, vì sao có ngành điểm sàn cao, có ngành lại thấp thế? Vì điểm chuẩn sẽ là như thế. Và điều này là vì các em học sinh. Giả sử, ngành Đông phương (ngành hot) cũng lấy điểm sàn 15 điểm, thì nhiều em điểm xấp xỉ mức đó cũng sẽ đăng ký vào Đông phương. Sau này, khi điểm chuẩn cao hơn hẳn, các em sẽ thiệt.

Một lãnh đạo trường ĐH cũng chia sẻ, để đưa ra được mức điểm sàn còn là sự “đấu tranh” khá “nóng” giữa ban lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo các khoa, ngành. Bởi lãnh đạo các khoa, ngành muốn đưa ra điểm sàn thấp để thu hút thí sinh.

“Tôi nói rất thẳng: Chúng ta hoàn toàn có thể làm như thế, nhưng như vậy là không có trách nhiệm đối với xã hội, phụ huynh và học sinh”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Theo công văn của Bộ GD&ĐT, danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức là danh sách được phần mềm lọc ảo toàn quốc gửi lại trường sau khi lọc ảo lần cuối vào ngày 08/8/2019 (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên Hệ thống). Các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
Mai Loan