Giáo dục

Điểm cao vẫn trượt đại học: Mất công bằng, không thể “lập lờ”

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Năm nay, đề thi dễ ở một số môn khiến điểm thi tăng vọt, nhiều thí sinh trượt đại học là do thước đo thay đổi, cách tuyển sinh không chuẩn, không nên đổ hoàn toàn trách nhiệm cho thí sinh.

Thước đo thay đổi gây mất công bằng

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay, số ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên là 265, chiếm 8%; trong đó, 30 mã ngành lấy điểm chuẩn cao hơn năm ngoái từ 9 - 11 điểm.

Điều này đã gây “sốc” với nhiều thí sinh bởi các em không lường được điểm chuẩn lại tăng vọt như vậy. Theo tư vấn đến từ nhiều chuyên gia tuyển sinh, khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng, cũng không có tư vấn nào cho rằng các em phải có điểm thi cao hơn điểm chuẩn năm ngoái từ 9 - 11 điểm mới nên đăng ký chọn ngành. Việc điểm chuẩn năm nay cao đột biến đã dẫn đến việc nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt nguyện vọng yêu thích, thậm chí trượt tất cả các nguyện vọng, trượt đại học.

Đây cũng là vấn đề được dư luận quan tâm trong nhiều ngày qua, với câu hỏi việc điểm chuẩn đại học tăng cao, thậm chí, lên đến 30 điểm có phải là bình thường? Và việc các thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học có phải là sự thiệt thòi, thiếu công bằng cho các em?

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, Chuyên gia giáo dục, TS Lê Thống Nhất, người sáng lập hệ thống BigSchool cho biết, ngay khi Bộ GD&ĐT năm nay có phân tích phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT đợt 1, nhiều người đã dự đoán năm nay điểm chuẩn đại học sẽ tăng, đặc biệt là ở một số khối sẽ rất khó xét tuyển vì nhiều em điểm cao. Bản thân ông không thấy bất ngờ với điểm chuẩn bởi vì đã biết kết quả thi tốt nghiệp năm nay cao hơn năm 2020 rất nhiều.

Tuy nhiên, việc một số trường lấy điểm chuẩn tới 30, hoặc hơn 30 điểm là một việc không bình thường. Không bình thường không có nghĩa là vô lý, mà ở việc khi điểm thi tốt nghiệp đã tăng mạnh liên tục, thì không phải do con cái chúng ta đã giỏi hơn trước, mà là vì thước đo đã bị thay đổi.

Đại diện Bộ GD&ĐT đã giải thích một số lý do khiến điểm chuẩn năm nay tăng cao, như số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng mạnh; do xu hướng chọn ngành, nghề; do điểm thi tiếng Anh… nhưng chưa đủ. Còn một lý do cần phải nhắc đến, đó là do đề thi.

Năm nay, đề thi dễ hơn ở một số môn, trong hoàn cảnh dịch bệnh, đây cũng là sự nhân văn. Tuy nhiên, khi lấy điểm thi tốt nghiệp để xét đại học thì lại có những bất cập không lường hết được.

Bởi mục tiêu của đề thi tốt nghiệp là đánh giá theo chuẩn kiến thức kỹ năng chứ không nhằm mục đích phân loại để tuyển sinh. Nói rằng, đề thi tốt nghiệp đã có phân hóa, nhưng mức phân hóa của một đề thi tốt nghiệp bao giờ cũng thấp hơn một đề tuyển sinh đại học. Tính phân hóa không cao ở đề thi tốt nghiệp dẫn đến học sinh bị dồn ở một phổ điểm nào đó rất lớn. Chẳng hạn, như năm nay số thí sinh đạt điểm 9, 10 rất cao, từ đó, có thể gây mất công bằng cho thí sinh.

Có thể hình dung, với một em học sinh giỏi, làm đề thi tiếng Anh chỉ làm hết nửa thời gian. Trong khi đó, vẫn phải ngồi chờ các thí sinh khác học yếu hơn làm và có thể được điểm 10 do yêu cầu điểm 10 của đề thi năm nay thấp. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng, có thể đẩy một loạt các học sinh lẽ ra không bao giờ được 10 thì lại được 10. Và những em học lực tốt, lẽ ra có thể được điểm hơn thế thì cũng vẫn chỉ được điểm 10 là tối đa. Như vậy, điểm 10 của những em học sinh giỏi thực sự cũng giống như điểm 10 của những học sinh học yếu hơn nhưng do đề dễ. Đứng ở góc độ này, rõ ràng có sự không công bằng khi dựa vào điểm thi tốt nghiệp.

“Về nguyên tắc, khi chúng ta đổi tên kỳ thi THPT Quốc gia thành kỳ thi Tốt nghiệp THPT mà vẫn còn dùng điểm của kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học thì sẽ có những bất cập không thể lường hết được”, ông Nhất nói.

Cần khẩn cấp thành lập trung tâm khảo thí quốc gia

Theo TS Lê Thống Nhất, chúng ta mong muốn đỡ tốn kém, vất vả, đã quyết tâm bỏ một kỳ thi, nhưng phải khẳng định, không thể bỏ bớt được. Để khắc phục những bất cập như trong mùa tuyển sinh năm nay, đề nghị Bộ GD&ĐT phải có một quyết định rõ ràng, không thể vẫn “lập lờ” cho phép dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục đại học, hoặc cho phép tuyển sinh bằng học bạ.

Và theo hướng đổi mới, Bộ GD&ĐT cần phải khẩn trương ra thông tư thành lập các trung tâm khảo thí Quốc gia để hỗ trợ các trường tuyển sinh. Các kỳ thi của các trung tâm khảo thí này có thể diễn ra nhiều đợt trong năm, không gây áp lực cho học sinh, đủ chất lượng đảm bảo vào được các trường đại học.

Việc này, cũng giống như cách các trường đang tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực hiện nay. Chỉ có như vậy mới chấm dứt được cách xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, bằng học bạ và mới hy vọng tuyển sinh vào đại học đảm bảo chất lượng.

Năm nay, như đã phân tích, rất nhiều thí sinh trượt đại học là do thước đo, cách tuyển sinh không chuẩn. Mà cách tuyển không chuẩn phụ thuộc vào chỉ đạo của ngành, đường lối của ngành. Cho nên, Bộ GD&ĐT cũng cần nhìn nhận lại trách nhiệm của mình, không nên đổ lỗi hoàn toàn cho thí sinh do đã điều chỉnh, chọn nguyện vọng sai.

“Đề nghị Bộ GD&ĐT cần phải thẳng thắn, xem việc nào xuất phát từ lỗi của Bộ, do Bộ chưa chỉ đạo, chưa đưa ra được cách tuyển sinh công bằng, minh bạch thì không nên đổ trách nhiệm cho các em”, TS Nhất nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải thành lập được những trung tâm khảo thí chất lượng. Hiện nay, một số trường đại học tốp trên cũng có xu hướng tự tổ chức các kỳ thi riêng. Tuy nhiên, để tổ chức một kỳ thi riêng rất tốn kém và không hề đơn giản. Những trường không có đủ giáo viên văn hóa cũng khó để tổ chức kỳ thi riêng. Cho nên, rất cần thành lập các trung tâm khảo thí từ phía Bộ GD&ĐT và các trường đều có thể dùng kết quả của kỳ thi từ các trung tâm này để xét tuyển, đặc biệt là các trường tốp dưới.

Ngày 27/9, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số 4237 hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021 - 2022; trong đó có việc xây dựng và triển khai phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi trong giai đoạn mới phải bảo đảm kết quả thi phản ánh khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh; có độ tin cậy và sự phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Kỳ thi cũng phải cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục, điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông. Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2022 - 2025 chưa được công bố chi tiết.

Mai Loan