Giáo dục

Điểm cao vẫn trượt đại học: Cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh

  • Tác giả : Mai Loan
(khoahocdoisong.vn) - Trước việc một số thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và một số trường đại học đã đưa ra những lý giải.

Trượt do không đặt nguyện vọng ở ngành thấp hơn

Câu chuyện về điểm chuẩn đại học đã gây chú ý dư luận trong nhiều ngày qua, khi mà điểm chuẩn đại học năm nay có xu hướng tăng ở hầu hết các ngành, có những ngành tăng đến 9 - 10 điểm và nhiều thí sinh điểm rất cao, 9, 10 điểm mỗi môn vẫn trượt đại học.

Trao đổi với KH&ĐS, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng điểm chuẩn của một số ngành, một số khối, trường.

Thứ nhất, do số thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng 11%, từ 900 nghìn lên hơn 1.020.000. Đặc biệt, số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng lên 152.000, từ 643.000 năm 2020 tăng lên 795.000 năm 2021, tăng 24%. Điều này xuất phát từ việc có thể do dịch bệnh, các em không đi du học nước ngoài, hoặc có xu hướng chọn ngành nghề, học đại học nhiều lên, dẫn đến điểm chuẩn tăng vọt.

Trong khi đó, điểm chuẩn của các trường tốp trên có tăng nhưng không nhiều, tổng số chỉ tiêu không tăng. Số thí sinh sau khi chọn trường tốp trên không đạt đã tập trung xuống những trường, ngành tốp giữa. Đây là lý do quan trọng nhất về tăng điểm chuẩn. Do đó,  điểm chuẩn tăng là bình thường.

Nguyên nhân thứ hai liên quan đến xu hướng chọn ngành nghề của học sinh. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, những ngành, nhóm ngành có điểm chuẩn tăng nhiều nhất – tăng từ 5 điểm trở lên, rất đáng mừng chính là khối ngành Kỹ thuật-công nghệ, với 70 mã nhóm ngành tăng.

Tiếp theo là nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, với 64 ngành. Hai khối ngành này đã chiếm 50% số các ngành có điểm chuẩn tăng từ 5 điểm trở lên so với năm 2020. Sau đó đến các khối Kinh doanh, Kinh tế, Xã hội nhân văn…

Điều này cho thấy xu hướng chọn ngành nghề của học sinh, các em lựa chọn rất kỹ. Khi các khối ngành kỹ thuật, công nghệ, sư phạm được nhiều học sinh lựa chọn cũng là tín hiệu đáng mừng.

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến việc điểm chuẩn tăng là khi phân tích phổ điểm thi một số môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ví dụ như tiếng Anh, có kết quả cải thiện so với năm 2020. Điều này cũng góp phần làm cho điểm chuẩn năm nay tăng.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, số lượng tuyển sinh được năm nay cao hơn hẳn năm 2020, chỉ những em nào điểm cao mà không đặt ở những nguyện vọng ở ngành thấp hơn thì mới trượt. Điều này cũng rất đáng tiếc.

“Thực ra xét tuyển đại học là câu chuyện cạnh tranh, khi Bộ GD&ĐT đưa ra một mô hình các em có quyền xét tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường thì cơ hội hoàn toàn nằm trong tay thí sinh”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nói.

Cần chú ý tới hướng nghiệp, thay vì chỉ chú ý vào thi và xét tuyển

Trao đổi với KH&ĐS, PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, qua theo dõi một số trường hợp thí sinh trượt đại học năm nay thì thấy, có những thí sinh đặt nguyện vọng rất khác nhau. Ví dụ, trong số 10 - 15 nguyện vọng thì có đến 7 - 8 ngành nghề khác nhau, lĩnh vực cũng khác. Có những thí sinh lại chỉ đặt nguyện vọng ở các ngành “hot”… Điều đó cho thấy, các em chưa có được sự định hướng tốt về nghề nghiệp.

Hiện nay, chúng ta đang chú trọng vào thi, xét tuyển mà chưa chú ý nhiều đến vấn đề hướng nghiệp. Đây là vấn đề chưa làm được và cần được quan tâm.

Theo PGS.TSKH Vũ Hoàng Linh, năm nào cũng có những trường hợp thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt đại học hoặc trúng tuyển vào những ngành không mong muốn. Trong đó, có lý do từ việc điều chỉnh, sắp xếp nguyện vọng không hợp lý.

Ngay cả khi có điểm thi tốt nghiệp THPT cao, các em vẫn phải tham khảo phổ điểm các môn và tổ hợp xét tuyển và nên thực hiện chiến lược điều chỉnh nguyện vọng xếp theo thứ tự yêu thích kết hợp với điểm chuẩn từ cao xuống thấp. Trong đó, có phương án “an toàn” ở những ngành có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm thi của mình. Không nên lựa chọn cố định một ngành/trường cụ thể mà nên tìm hiểu và chọn một nhóm ngành mà mình ưa thích và có năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc có những ngành lấy điểm chuẩn mức 30, trên 30 là không bình thường.

Nhìn điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay thì thấy tính phân loại của kỳ thi chưa cao. Để tránh những câu chuyện tuyển sinh như thế này, thì điều đầu tiên là phải có một kỳ thi đảm bảo tính phân loại rõ hơn và cần có những phương thức tuyển sinh tốt hơn.

Nếu một kỳ thi không có tính phân loại cao thì cũng đặt ra câu hỏi có nên dùng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đại học nữa hay không?

Sẽ xét tuyển bổ sung thí sinh từ 27 điểm trượt đại học 

Ngày 20/9, Bộ GD&ĐT đã có thông tin về các trường hợp điểm cao nhưng trượt nguyện vọng xét tuyển. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm.

Trong 165 em, có 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội (bao gồm cả 61 em như Bộ GD&ĐT đã cung cấp thông tin trước đó với điểm xét tuyển - đã cộng điểm ưu tiên, điểm học bạ - đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào).

Trong số 114 em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.

Để xem xét quyền lợi cho các em, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với một số trường đại học lớn, các trường cho biết sẽ sẵn sàng xét tuyển bổ sung những thí sinh có kết quả thi THPT cao và thuộc đối tượng như trên, căn cứ vào nguyện vọng và điểm đạt được theo điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.

Mai Loan