Gia đình mới

Dây rốn quấn cổ 3 vòng, xử trí thế nào để an toàn thai nhi?

  • Tác giả : Thúy Nga
37% thai đủ tháng bị dây rốn quấn cổ. Dây rốn quấn cổ làm cản trở vận chuyển máu và dinh dưỡng nuôi thai nhi, nguy cơ thai nhi sinh nhẹ cân, thiếu máu, thậm chí là tử vong trong bụng mẹ…Vậy xử trí thế nào để an toàn?

Suy thai cấp trong chuyển dạ do dây rốn quấn cổ 3 vòng

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa qua đã tiến hành cấp cứu kịp thời cho bé sơ sinh suy thai cấp trong chuyển dạ do dây rốn quấn cổ 3 vòng.

Trước đó, sản phụ B.T.N (25 tuổi, trú tại TP.Vinh) nhập viện trong tình trạng chuyển dạ và được theo dõi tim thai liên tục trong chuyển dạ bằng Monitoring sản khoa.

Tuy nhiên tim thai giảm đột ngột, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành hồi sức nhưng không thấy có dấu hiệu hồi phục. Ngay lập tức tiến hành hội chẩn viện và mổ lấy thai cấp cứu với chẩn đoán thai 40 tuần 3 ngày, ngôi đầu, chuyển dạ, suy thai cấp.

Sau 10 phút khẩn trương và tập trung của ekip phẫu thuật, ca mổ đã được diễn ra thuận lợi, bé trai nặng 3.000gram chào đời an toàn, trên cổ có 3 vòng dây rốn quấn quanh.

Sau 10 phút khẩn trương và tập trung của ekip phẫu thuật, ca mổ đã được diễn ra thuận lợi, bé trai nặng 3.000gram chào đời an toàn, trên cổ có 3 vòng dây rốn quấn quanh.

Theo đội ngũ ekip phẫu thuật, tình huống dây rốn quấn cổ là hiện tượng sinh lý bình thường hay gặp trong 3 tháng cuối của thai kỳ, phần lớn sẽ không ảnh hưởng gì tới thai. Tuy nhiên, nếu dây rốn quấn cổ quá nhiều vòng hoặc quá chặt, quá trình vận chuyển máu và dinh dưỡng nuôi thai nhi sẽ bị cản trở, nguy cơ thai nhi sinh nhẹ cân, thiếu máu, thậm chí là tử vong trong bụng mẹ…

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiến hành cấp cứu kịp thời cho bé sơ sinh suy thai cấp do dây rốn quấn cổ 3 vòng - ảnh BVCC

Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiến hành cấp cứu kịp thời cho bé sơ sinh suy thai cấp do dây rốn quấn cổ 3 vòng - ảnh BVCC

37% thai đủ tháng bị dây rốn quấn cổ

BS Bùi Đức Hoàn, Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang cho biết: Dây rốn quấn cổ còn được gọi theo cách gọi dân gian là tràng hoa quấn cổ, xảy ra khi thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ hay trong thời gian đau bụng chuyển dạ hoặc trong quá trình sinh.

Tuy những nguy hiểm do dây rốn rất hiếm xảy ra nhưng cũng có trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ, hoặc dây rốn vừa ngắn lại còn quấn quanh cổ khiến thai nhi không thể lọt vào khung xương chậu của mẹ, bị treo lơ lửng giữa chừng.

Dây rốn quấn cổ quá chặt khiến dây bị thắt lại, có thể cản trở quá trình cung cấp oxy, thai nhi sinh ra bị nhẹ cân, thiếu máu, nguy hiểm hơn là thai nhi tử vong trong bụng mẹ.

Tỷ lệ thai nhi bị dây rốn quấn cổ ở khoảng 12% đối với thai từ 24-26 tuần, 37% ở thai đủ tháng.

Dây rốn (dây rau) là một ống dẫn hai đầu để đưa dưỡng chất và oxy từ máu mẹ sang thai nhi, đồng thời cũng mang những sản phẩm chuyển hóa từ máu thai nhi sang máu mẹ để đào thải ra ngoài. Nhiệm vụ của dây rốn là vận chuyển oxy từ máu mẹ sang máu thai nhi. Vì một lý do nào sự vận chuyển bị gián đoạn này, thai nhi bị thiếu oxy và tử vong.

Dây rốn thường có chiều dài trung bình 50-60cm. Dây rốn càng dài càng làm gia tăng nguy cơ quấn quanh cổ, tay, chân của thai nhi hoặc bị thắt nút. Nhưng cũng có khi bản thân dây rau ngắn hơn chiều dài trên (ví dụ toàn bộ chiều dài dây rau dưới 35cm thì gọi là dây rau ngắn tuyệt đối); hoặc là khi thai nhi vận động trong buồng tử cung làm cho dây rau quấn vào cổ, chân hay thân làm cho dây rau ngắn lại ( lúc này gọi là ngắn tương đối).

Về mặt lý thuyết, sự chuyển động của bào thai sẽ khiến dây rốn căng ra và dài thêm. Dây rốn dài có thể vướng vào tay chân hay quấn cổ thai nhi gây nguy cơ tắc nghẽn mạch máu liên tục hoặc từng phần.

Tin vui là phần lớn trường hợp dây rốn quấn cổ thường không liên quan đến mắc bệnh và tử vong chu sinh. Tử vong chu sinh là hiện tượng thai nhi và trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 1 tuần sau sinh. Đó là lý do vì sao các bác sĩ ít báo cho mẹ biết thai nhi bị dây rốn quấn cổ, trừ trường hợp nghiêm trọng đe dọa tính mạng bé.

Cần có kiến thức để đối phó khi tình trạng nguy kịch xảy ra

BSCKI. Dương Ngọc Vân, bệnh viện Đa khoa quốc tế Melatec cho biết, dây rốn quấn cổ được phát hiện chủ yếu khi đi siêu âm thai vì gần như dây rốn không có dấu hiệu gì biểu hiện ra bên ngoài. Đôi khi có thể thông qua hiện tượng thai máy ít đi hoặc thai máy nhiều hơn so với bình thường, mà người mẹ có thể cảm nhận được và đi khám.

Hiểu được sự phát triển của con trong từng giai đoạn trong bụng mẹ, các phụ huynh sẽ có kiến thức để đối phó trong các trường hợp cần thiết.

Ở những tháng đầu tiên, vì còn nhỏ nên việc di chuyển của thai nhi trong bụng mẹ là rất dễ dàng. Do đó sẽ xuất hiện việc dây rốn dài và quấn quanh người em bé. Không chỉ vậy, việc bé di chuyển trong buồng tử cung còn có thể khiến cho dây rốn tự cuốn vào nhau tạo thành các nút thắt gây nguy hiểm.

Nguyên nhân khiến dây rốn quấn cổ thai nhi:

Ở các tháng cuối của thai kỳ, thường là 3 tháng cuối thì thai nhi sẽ quay đầu từ từ xuống dưới để chuẩn bị chào đời. Lúc này dây rốn mềm và trơn nên rất dễ bị quấn vào em bé. Khi dây rốn quấn vào người bé thì cũng có khả năng dây rốn sẽ tự tháo được, tuy nhiên cổ là một bộ phận nhạy cảm vì đây là một cái khe hẹp giữa vai và đầu, do đó nhiều trường hợp bé không thể tự tháo mà càng di chuyển làm dây quấn càng chặt hơn.

Việc mẹ lao động quá sức hay thường xuyên vận động được xem là nguyên nhân chính khiến dây rốn quấn quanh cổ em bé. Khi mẹ gắng sức, em bé sẽ có xu hướng quay đầu xuống dưới, việc này sẽ làm tăng khả năng dây rốn quấn vào cổ bé. Do vậy mẹ hãy chú ý vận động nhẹ nhàng trong thai kỳ, tránh các hoạt động quá sức nhé. Mẹ cần nghỉ ngơi nhiều hơn nên những việc có thể nhờ trợ giúp mẹ đừng ngại nhé.

Mẹ bị dư ối hay đa ối cũng là một nguyên nhân khiến bé bị dây rốn quấn cổ, đặc biệt là trong các tháng cuối thai kỳ. Có nhiều em bé có dây rốn dài hơn bình thường nên tình trạng bị dây quấn cổ là khá cao.

Tình trạng em bé bị dây rốn quấn cổ 1 vòng là tình trạng an toàn nên mẹ không cần quá lo lắng. Nhiều em bé đã có thể tự tháo dây ra từ tuần thai thứ 18 đến 25. Dây rốn là phương tiện vận chuyển giữa mẹ và thai nhi nên những cản trở đối với dây rốn là không tốt. Tuy nhiên hiện tượng em bé bị dây quấn cổ 1 vòng là hiện tượng sinh lý bình thường, mẹ không cần quá lo lắng.

Các bác sĩ sẽ đánh giá dây rốn quấn cổ khi mẹ đi khám thai định kỳ và thường không xử lý cho đến khi xảy ra vấn đề bất thường. Tuy nhiên, các mẹ hãy đi khám ngay khi cảm nhận thai máy khác bình thường. Kể cả khi thai máy ít hơn hay nhiều hơn thì cũng đều là dấu hiệu không nên chủ quan.

Tùy vào tình trạng của mẹ và bé mà các bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định phù hợp. Đa số các thai nhi bị dây rốn quấn cổ 1 vòng mẹ đều có thể sinh thường bình thường và bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Nhiều sản phụ lo lắng khi rau quấn cổ và thường có nguyện vọng sinh mổ. Tuy nhiên có thể thấy, rau quấn cổ không nhất thiết đều phải sinh mổ.

Thực tế tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhiều thai nhi bị rau quấn cổ 2 – 3 vòng được theo dõi sát sao không ảnh hưởng đến sức khỏe vẫn được sinh thường thành công.

Để có một thai kỳ khỏe mạnh và kịp thời xử trí những bất thường, bác sĩ sản khoa khuyến cáo, các sản phụ nên theo dõi cử động thai mỗi ngày.

Đặc biệt, trong những tuần cuối thai kỳ, đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện cử động thai ít hoặc yếu. Việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ đúng hẹn là điều quan trọng cần thực hiện một cách nghiêm túc để tránh tình huống nguy hiểm bất ngờ cho mẹ và bé." - BS Bùi Chí Dũng, khoa Phụ A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhấn mạnh,

Thúy Nga