Bé trai 1 tuổi phồng rộp cả mặt, chảy dịch vì viêm da cơ địa
Thông tin trên Tạp chí điện tử Người Đưa Tin, Ths.BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, vừa tiếp nhận trường hợp bé trai 1 tuổi (Hải Dương) khám trong tình trạng tổn thương da đỏ, bong vảy lan rộng, khô nứt, một số vùng chảy dịch dịch đóng vảy nề đỏ (dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát).
Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da cơ địa, nguyên nhân chính là bé có cơ địa dị ứng, thời tiết hanh khô, cách chăm sóc chưa phù hợp cùng với thói quen cào gãi không kiểm soát được của bé.
Bé trai bị viêm da cơ địa diễn biến nặng. Ảnh: Tạp chí điện tử Người Đưa Tin |
Theo lời kể của gia đình, bé được gia đình phát hiện những dấu hiệu bất thường từ khi chỉ mới 1 tháng tuổi. Ban đầu, vùng má của bé có biểu hiện đỏ nhẹ, khô ráp, bong vảy.
Tuy nhiên, chỉ trong vài tuần, tình trạng trở nặng, lan đến vùng sau tai và các nếp gấp trên cơ thể chảy dịch, đóng vảy, trẻ quấy khóc nhiều.
Mẹ của bé chia sẻ: "Gia đình đã đưa con đi khám ở nhiều nơi. Con được kê thuốc bôi và cũng cho tắm các loại lá cây… Có thời điểm bệnh giảm một chút nhưng cứ mỗi đợt thời tiết hanh khô, da con lại bong tróc nặng hơn. Đỉnh điểm là khi con bị áp xe mí mắt hồi 6 tháng tuổi".
Trước tình trạng nghiêm trọng của bệnh nhi, bác sĩ tiến hành kiểm soát nhiễm trùng, sử dụng thuốc bôi kháng viêm để xử lý các vùng da tổn thương có dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát.
Nếu tổn thương ướt chảy dịch viêm nhiễm có thể kết hợp chiếu laser năng lượng thấp để vết thương nhanh khô. Cân nhắc dùng kháng sinh đường toàn thân nếu trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn.
Cùng với đó là dưỡng ẩm, da bé được phục hồi hàng rào bảo vệ bằng kem dưỡng ẩm chuyên sâu, sử dụng thường xuyên để giảm khô nứt và ngứa.
Ngoài ra, gia đình được tư vấn chi tiết về cách vệ sinh, dưỡng ẩm và bảo vệ da bé, tránh các tác nhân kích ứng như hóa chất, xà phòng mạnh hoặc nước quá nóng, các loại lá cây gây khô kích ứng da. Đặc biệt, gia đình cần có biện pháp kiểm soát hành vi gãi của cháu bé.
Đồng thời, lịch tái khám được lên kế hoạch chặt chẽ nhằm đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh phác đồ kịp thời.
Viêm da cơ địa tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách.
Vì sao thời tiết hanh khô, bệnh dễ trở nặng?
Theo các chuyên gia, viêm da cơ địa là bệnh lý liên quan đến yếu tố miễn dịch và di truyền, thường chịu tác động lớn từ môi trường sống. Ở trẻ nhỏ, thời tiết lạnh, hanh khô ở miền Bắc là tác nhân chính khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.
Thêm vào đó, làn da của trẻ sơ sinh vốn mỏng manh và dễ tổn thương. Việc cào gãi liên tục do ngứa không chỉ làm da bé thêm tổn hại mà còn mở đường cho vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng.
ThS.ĐD Hoàng Hồng Hạnh- Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, viêm da cơ địa là một bệnh viêm da, ngứa do tổng hợp nhiều yếu tố, căn nguyên, gồm:
Hàng rào bảo vệ da bị tổn thương: Trong bệnh viêm da cơ địa có sự giảm sản xuất filaggrin, loricrin, giảm các chất gắn kết tế bào da nên làm tăng sự mất nước, làm cho da khô.
Yếu tố di truyền: Một số nghiên cứu cho rằng nếu cả bố và mẹ bị viêm da cơ địa thì có tới 80% con bị bệnh này, trong khi đó tỉ lệ này chỉ là 50% nếu bố mẹ không bị bệnh này.
Rối loạn miễn dịch: là các phản ứng bất thường qua trung gian tế bào.
Một số yếu tố liên quan: dị nguyên trong không khí, thức ăn, các tác nhân nhiễm trùng, các dị nguyên gây dị ứng do tiếp xúc, …
Viêm da cơ địa là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng dễ bị xem nhẹ hoặc nhầm lẫn với các tình trạng da liễu thông thường khác.
Theo bác sĩ, nguyên tắc điều trị viêm da cơ địa gồm giữ ẩm cho da; Giáo dục và hướng dẫn gia đình cách chăm sóc da hàng ngày và khi tổn thương; Chống viêm; Giảm ngứa; Tránh và loại bỏ các yếu tố nguy cơ.
Về chế độ dinh dưỡng, nên dùng các thực phẩm giàu đạm: thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa, đậu phụ….; Nên sử dụng dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng…).
Các loại rau và trái cây chứa nhiều vitamin và chất xơ: Rau xanh và trái cây tươi (cam, dâu tây, dứa, xoài,…) là nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin, chất xơ và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp làm lành các tổn thương, điều trị và ngăn ngừa viêm da cơ địa và một số vấn đề sức khỏe khác.
Các loại rau và trái cây chứa nhiều flavonoid chống viêm: Flavonoid là một chất chống viêm được tìm thấy nhiều trong các loại rau, trái cây như táo, bông cải xanh, việt quất,… Việc ăn nhiều thức ăn chứa Flavonoid sẽ giúp cơ thể cải thiện sức khỏe làn da và ngăn ngừa tình trạng viêm da dị ứng: rau xanh, trái cây, táo, lê, trà xanh, hành tây…
Kali cũng là một chất chống viêm có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng của viêm da cơ địa. Nó được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm hằng ngày như chuối, bơ, bí ngô, cá hồi,…
Sử dụng sữa chua uống lên men bổ sung lợi khuẩn giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Trung bình nên uống khoảng 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
Thực phẩm hạn chế dùng là các loại hải sản: tôm, cua, cá, nghêu, hàu,… bởi trong nhóm thực phẩm này có chứa histamin với hàm lượng cao, đây là một chất có tác dụng kích thích các mao mạch dưới da khiến da hình thành các nốt mụn ngứa.
Các loại sản phẩm từ sữa: Một nghiên cứu đã cho thấy, trong các sản phẩm được làm từ sữa như kem, phô mai, bánh sữa,… chứa hơn 20 chất có thể là nguyên nhân gây dị ứng ở trẻ nhỏ.
Thực phẩm chứa chất phụ gia, chất bảo quản, màu nhân tạo, hương liệu, được xử lý bằng nhiều hoá chất độc hại, không rõ nguồn gốc,… đều có thể khiến cơ thể dễ bị dị ứng.
Đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: thịt muối, dưa, cà muối, mỳ tôm, các loại bánh mặn, gà rán, khoai tây chiên…là một trong những nguyên nhân gây bít, tắc lỗ chân lông, khiến cơ thể cảm thấy ngứa ngáy, viêm ngoài da.
Thực phẩm không nên dùng là các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá…