Ngay từ sáng sớm ngày 16/12, đã có hơn 70 trẻ mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác đến từ nhiều tỉnh thành được các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên thuộc các chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện E: Răng hàm mặt, Gây mê hồi sức, Nội Nhi tổng hợp, Tai mũi họng, Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt, Sức khỏe tâm thần, Phục hồi chức năng… thăm khám và tư vấn phẫu thuật.
Biến chứng bại não co cứng cơ mặt
Trong số những trường hợp đặc biệt tham gia chương trình Phẫu thuật Nụ cười lần thứ 9 tại Bệnh viện E, hình ảnh bé L.C.D (7 tuổi, ở Nam Định) cùng bà nội đã khiến không ít người bệnh và bác sĩ tại đây xúc động.
Bé D mắc dị tật khuyết môi dưới xuất phát từ một chuỗi biến chứng do bệnh lý bại não. Bé bị co cứng cơ vùng mặt, kèm theo hành vi không kiểm soát, thường xuyên tự cắn vào môi dưới. Việc này đã dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, khiến phần môi dưới bị tổn thương không thể hồi phục và buộc phải cắt bỏ. Đây là một tình trạng hiếm gặp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của em.
Sinh ra đã mang trong mình số phận không may mắn, bé D bị chẩn đoán bại não ngay từ khi chào đời. Bố mất sớm, mẹ phải đi làm xa để kiếm sống, Dũng lớn lên trong vòng tay chăm sóc của bà nội – người phụ nữ tuổi ngoài 60 với dáng hình gầy gò và gương mặt khắc khổ.
Khi biết đến chương trình Phẫu thuật Nụ cười, bà nội D đã không ngần ngại đưa cháu vượt hơn trăm cây số từ Nam Định đến Hà Nội với hy vọng cháu được chữa trị. Không thể tự di chuyển do ảnh hưởng của bại não, bé D được bà “đẩy” đến bàn khám trên một chiếc xe đẩy đã cũ.
Thăm khám cho trẻ bị bệnh - Ảnh BVCC |
Bà N.T.E (bà nội của bé D) chia sẻ với đôi mắt ngấn lệ, giọng nghẹn ngào: “Đã lâu lắm rồi tôi không được nhìn thấy khuôn mặt hoàn chỉnh của cháu mình. Bây giờ, mỗi lần nhìn cháu, lòng tôi đau thắt. Tôi chỉ mong sau ca phẫu thuật này, các bác sĩ có thể tái tạo lại phần môi đã mất, để tôi có thể nhìn lại gương mặt trọn vẹn của cháu mình, như trong những bức ảnh ngày xưa”.
Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật tạo hình môi dưới cho bé D. Đây là một kỹ thuật tái tạo phức tạp, đòi hỏi các bác sĩ phải sử dụng các mảnh ghép mô từ những vùng khác trên cơ thể để tái tạo lại hình dáng môi dưới, đồng thời phục hồi chức năng cơ bản.
Trường hợp bé Đ.N.A (4 tuổi, ở Quảng Ninh) được bố mẹ đưa đến đăng kí khám từ sớm tại chương trình với mong muốn cải thiện sự bất thường trên khuôn mặt của con.
Tại bàn khám của TS.BS Nguyễn Hồng Nhung – khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện E, bé được chẩn đoán mắc dị tật hẹp khe mi – một tình trạng không những gây ảnh hưởng xấu về mặt thẩm mỹ mà còn gây tổn hại chức năng thị giác của mắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.
Sau khi được thăm khám, bé N.A được bác sĩ chỉ định phẫu thuật mở góc mắt hai bên nhằm điều chỉnh cấu trúc khe mi, tạo hình lại góc mắt để mở rộng tầm nhìn, đồng thời cải thiện sự cân đối và hài hòa trên khuôn mặt của bé.
Trường hợp bé B.T.P.T (4 tháng 22 ngày, ở Hải Dương) được chẩn đoán mắc dị tật khe hở môi toàn bộ một bên, khe hở vòm. Sau khi thăm khám và hội chẩn, các bác sĩ chỉ định con được phẫu thuật tạo hình môi.
Được biết, ngay từ khi chào đời, bé T đã được phát hiện mắc dị tật khe hở môi toàn bộ một bên và khe hở vòm miệng, ảnh hưởng nặng nề đến khả năng ăn uống, phát âm và thẩm mỹ nếu không được điều trị đúng cách. Nhận thức được tầm quan trọng của việc điều trị sớm, gia đình bé đã nhanh chóng tìm đến một cơ sở y tế để được được thăm khám và chẩn đoán toàn diện.
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung thăm khám cho trẻ - Ảnh BVCC |
Theo TS.BS Nguyễn Hồng Nhung, với trường hợp của bé T có thể nói là may mắn hơn nhiều bệnh nhi khác vì được gia đình đưa đến cơ sở y tế điều trị sớm và áp dụng quy trình chuẩn điều trị toàn diện khe hở môi – vòm miệng ngay từ đầu, đảm bảo bé nhận được kế hoạch điều trị bài bản và hiệu quả nhất.
Cần phát hiện và điều trị sớm từ giai đoạn sơ sinh
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung cho biết, quy trình chuẩn điều trị khe hở môi – vòm miệng là sự kết hợp giữa các giai đoạn điều trị phẫu thuật và can thiệp hỗ trợ, nhằm mang lại hiệu quả tối ưu cho người bệnh.
Quá trình điều trị khe hở môi vòm miệng là quá trình điều trị từ khi trẻ chưa sinh ra đến khi trưởng thành, phải có sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, bắt đầu điều trị từ trong thai kỳ, ngay từ khi sinh ra cần can thiệp khí cụ (đeo hàm nam) trước phẫu thuật để đóng hẹp khe hở lại, giúp định hình cấu trúc mô mềm, xương hàm…
Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho ca phẫu thuật sau này mà còn giảm thiểu các biến chứng, giúp trẻ bú mẹ dễ dàng hơn.
Tiếp theo sẽ tiến hành phẫu thuật tạo hình môi và vòm miệng: thực hiện phẫu thuật tạo hình môi khi trẻ đạt đủ điều kiện về sức khỏe và cân nặng, thường từ 3-6 tháng tuổi; phẫu thuật đóng khe hở vòm miệng tiếp tục được thực hiện ở giai đoạn trẻ từ 12-18 tháng tuổi, đảm bảo chức năng nói và ăn uống.
Trong quá trình đó, trẻ cần được theo dõi định kỳ để đánh giá sự phát triển của hàm mặt, răng miệng, ngôn ngữ và tâm lý xã hội; các can thiệp hỗ trợ như chỉnh nha, trị liệu ngôn ngữ và thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh sửa có thể được thực hiện ở các giai đoạn tiếp theo, tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ…
Qua trường hợp bé T, đã minh chứng rõ nét cho hiệu quả của việc phát hiện sớm và áp dụng quy trình chuẩn điều trị toàn diện dị tật khe hở môi – vòm miệng ngay từ đầu.
TS.BS Nguyễn Hồng Nhung nhấn mạnh, với các dị tật bẩm sinh phức tạp, thời điểm can thiệp và phương pháp điều trị đóng vai trò quyết định. Việc tiếp cận quy trình chuẩn giúp đảm bảo trẻ được chăm sóc đúng cách từ giai đoạn sơ sinh, bao gồm sử dụng khí cụ hỗ trợ trước phẫu thuật, phối hợp đa chuyên khoa và xây dựng kế hoạch điều trị cá nhân hóa phù hợp với từng trẻ.
Đây không chỉ là yếu tố giúp cải thiện hiệu quả phẫu thuật mà còn giảm thiểu nguy cơ biến chứng, tạo nền tảng để trẻ phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tâm lý, mang lại cơ hội phục hồi tốt nhất và tương lai trọn vẹn cho các em.
Từ ngày 16/12 - 20/12/2024, Bệnh viện E phối hợp cùng tổ chức Operation Smile, Trường Đại học Y Dược – ĐHQGHN tổ chức khai mạc chương trình khám, điều trị và phẫu thuật miễn phí dành cho người bệnh mắc dị tật khe hở môi, vòm miệng và nhiều dị tật khác lần thứ 9 tại Bệnh viện E.
Đây là hoạt động thường niên đầy ý nghĩa được tổ chức với mục tiêu mang lại nụ cười mới, tương lai mới cho các trẻ em và người bệnh kém may mắn. Chương trình không chỉ hỗ trợ người bệnh về mặt y tế mà còn giúp xóa bỏ mặc cảm, mang lại sự tự tin để hòa nhập tốt hơn với xã hội.
Trẻ bị khe hở môi phải được ít nhất 6 tháng tuổi, nặng từ 8kg trở lên; trẻ bị khe hở hàm ếch phải được ít nhất 12 tháng tuổi, nặng từ 10 - 12kg trở lên; di chứng dị tật bẩm sinh khe hở môi hàm ếch các độ tuổi (sẹo môi, lỗ thông vòm miệng, dị tật mũi, khe hở cung răng); người bệnh thừa ngón (tay, chân) (không phải dị tật vận động, dị tật bàn chân khoèo…); người bệnh bị dị tật sụp mí mắt bẩm sinh (không phải bệnh lý nhãn khoa) trên 5 tuổi…
Theo Ban Giám đốc Bệnh viện E, Bệnh viện tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ tham gia phẫu thuật trong chương trình này. Trẻ và gia đình được miễn phí toàn bộ chi phí phẫu thuật, chăm sóc hậu phẫu và hỗ trợ chi phí ăn, ở trong thời gian điều trị tại Bệnh viện E.