Gia đình mới

Dấu hiệu về đêm cảnh báo cơ thể đang "ngập" trong độc tố

  • Tác giả : Giang Thu (Tổng hợp)
Sự tích tụ chất độc trong cơ thể có thể gây khó khăn cho các hoạt động hằng ngày.

Độc tố là những nhân tố gây hại cho cơ thể. Chúng có thể có nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ, nội sinh hoặc xâm nhiễm từ môi trường bên ngoài. Khi tích tụ độc tố, tùy trường hợp mà cơ thể sẽ bị nhiễm độc theo các mức độ khác nhau, nhẹ có thể tự hết, nếu nặng thì diễn biến sẽ vô cùng khó lường.

Dưới đây là một số dấu hiệu về đêm cảnh báo cơ thể có thể đang tích tụ đầy độc tố:

Đau nhức cơ khớp

Vùng cơ và khớp của bạn có thể cũng đang bị nhiễm độc tố nếu xuất hiện tình trạng đau nhói cơ khớp thường xuyên. Do đó, bạn nên tạm dừng việc tập luyện lại và sinh hoạt lành mạnh, điều độ hơn cho đến khi cơ thể trở về trạng thái ổn định.

Khó ngủ

Sự tích tụ độc tố trong cơ thể có thể gây cảm giác kiệt sức và mệt mỏi thường xuyên, ngay cả khi bạn đã ngủ đủ giấc. Cảm giác này thường kèm theo khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ, do nồng độ hormone cortisol tăng cao vào ban đêm, khiến bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và tỉnh táo hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ mà còn có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ kéo dài.

Khó ngủ. Ảnh minh họa

Khó ngủ. Ảnh minh họa

Nếu bạn nhận thấy mình ngày càng khó ngủ, điều này có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang cần được thanh lọc. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng, lo âu và những rối loạn tiêu hóa cũng có thể là những tín hiệu cảnh báo về việc tích tụ độc tố trong cơ thể. Trong trường hợp này, hãy xem xét việc thay đổi chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, hoặc tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Hay đổ mồ hôi đêm

Khi phải làm việc hết công suất cộng với việc bị nhiễm độc, chức năng hoạt động của gan sẽ bị giảm sút đi trông thấy, gây ra tình trạng nóng gan.

Hay đổ mồ hôi đêm. Ảnh minh họa

Hay đổ mồ hôi đêm. Ảnh minh họa

Dấu hiệu để nhận biết trong trường hợp này là thường xuyên cảm thấy nóng trong người, đổ mồ hôi nhiều dù nhiệt độ môi trường mát mẻ, không quá nóng bức.

Tiểu đêm

Đi vệ sinh nhiều lần vào ban đêm có thể là cách cơ thể loại bỏ lượng đường dư thừa hoặc chất thải qua nước tiểu.

Đi tiểu đêm. Ảnh minh họa

Đi tiểu đêm. Ảnh minh họa

Khi nồng độ đường trong máu cao, thận phải làm việc quá sức để loại bỏ lượng đường này, khiến bàng quang hoạt động quá mức. Kết quả là bạn có thể phải đi tiểu thường xuyên vào ban đêm.

Ho nhiều về đêm

Theo tạp chí Health, tình trạng này có thể cảnh báo phổi đang bị nhiễm các chất độc hại từ môi trường bên ngoài như khói thuốc lá, bụi, vi khuẩn... Nó có thể kèm theo tình trạng thở khò khè, khó thở. Ngoài ra, ho nhiều về đêm còn là dấu hiệu cảnh báo hội chứng chảy dịch sau mũi, trào ngược dạ dày thực quản.

Các tình trạng liên quan đến phổi, chẳng hạn hen suyễn, rối loạn phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ho gà và viêm phổi, có thể gây ho vào ban đêm. Bạn có thể ho do các chất kích thích trong không khí trong trường hợp hen suyễn hoặc do chất nhầy trong trường hợp COPD.

Một số cách giúp thải độc cho cơ thể

Để loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, bạn có thể áp dụng một số cách đơn giản nhưng hiệu quả dưới đây:

Sử dụng thực phẩm hỗ trợ thải độc: Một số thực phẩm có khả năng thải độc cực tốt mà bạn nên đưa vào thực đơn hằng ngày bao gồm: Dứa, bưởi, cam, chanh, hành tây, tỏi, đặc biệt là các loại rau họ cải (bông cải xanh, cải ngọt, cải ngồng,...).

Tích cực vận động, rèn luyện thân thể: Đa phần các độc tố đều có khả năng bài xuất qua da thông qua con đường bài tiết mồ hôi khi vận động mạnh. Vậy nên luyện tập tích cực cũng là một cách hay để bạn đẩy mạnh chuyển hóa vật chất và mở đường cho hành trình đào thải độc tố ra khỏi cơ thể.

Xông hơi thải độc: Trong quá trình xông hơi, sự tiếp xúc với khí nóng sẽ khiến mạch máu dưới da giãn nở mạnh, tuần hoàn máu tăng nhanh và mồ hôi được bài xuất với cường độ cao. Khi đó độc tố cũng đi theo mồ hôi để thoát ra ngoài. Và để tối ưu hiệu quả thanh lọc, bạn nên cho vào nước xông các loại lá, củ có nhiều tinh dầu như bưởi, sả, gừng, tía tô, hương nhu, bạc hà,...

Uống nhiều nước: Vì hoạt động thải độc chủ yếu được thực hiện qua con đường bài tiết (mồ hôi và nước tiểu) nên uống nhiều nước sẽ giúp hỗ trợ tích cực vào quá trình này. Theo đó, lượng nước lý tưởng mà bạn nên dùng mỗi ngày trong giai đoạn thải độc là 2 - 2,5 lít.

Giang Thu (Tổng hợp)