Y học và đời sống

Công nghệ điện toán biết nhận thức hỗ trợ điều trị ung thư

Việt Nam có hơn 90 triệu dân, là quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao thứ 2 thế giới. Mỗi năm người Việt Nam mang 2 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, chủ yếu là chữa ung thư. Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị ung thư đang là nhu cầu cấp thiết trong chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam xếp thứ 78/172 trên bản đồ ung thư thế giới, với tỷ lệ tử vong là  110 người trên 100 ngàn dân. Nghiên cứu của WHO cũng cho thấy, số bệnh nhân ung thư ở Việt Nam sẽ tăng từ 68.000 năm 2000 lên tới 190.000 vào năm 2020.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Trong khi các bác sĩ, điều dưỡng và các hệ thống chăm sóc sức khỏe vẫn đang tìm cách tiếp cận chăm sóc điều trị ung thư dựa trên bằng chứng và dữ liệu, sự bùng nổ các thông tin y khoa đã tạo ra đồng thời các thách thức và cơ hội đối với việc nâng cao chất lượng chăm sóc. Mỗi năm có khoảng 50.000 tài liệu nghiên cứu về ung thư học được xuất bản, tới năm 2020 dự báo cứ sau 73 ngày lượng thông tin y tế sẽ tăng gấp đôi, khiến con người khó có thể cập nhật kịp thời các biển kiến thức về y khoa.

Ngày 12/12 tại Hà Nội, Công nghệ điện toán biết nhận thức hỗ trợ điều trị ung thư IBM Watson for Oncology đã được giới thiệu. Đây là sự hợp tác giữa Five9 và IBM nhằm đưa công nghệ về Việt Nam, hỗ trợ các bác sĩ đưa ra các lựa chọn trong điều trị ung thư dựa trên bằng chứng.

Công nghệ điện toán biết nhận thức hỗ trợ điều trị ung thư là phần mềm cho bác sĩ nhập thông tin bệnh án vào hệ thống trí tuệ nhân tạo, hệ thống sẽ tính toán, đọc trên 1 triệu hồ sơ bệnh án gần giống nhất với người bệnh; đọc 15 triệu hồ sơ tài liệu y khoa về ung thư nhằm đưa ra phác đồ điều trị tối ưu kèm theo bằng chứng. Người bệnh nhìn vào phác đồ sẽ có niềm tin để điều trị bệnh. Nhờ có công nghệ này, người bệnh không cần phải ra nước ngoài chữa bệnh mà vẫn được hưởng lợi từ phác đồ điều trị tiên tiến nhất trên thế giới.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế  cho biết:” Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao của hệ thống kết nối số hóa-vật lý-sinh học với sự đột phá của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gõ cửa y tế Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội phát triển y tế điện tử, hỗ trợ giải quyết tình trạng quá tải, giúp người bệnh có phác đồ điều trị nhất quán, giúp bác sĩ có cơ hội cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác”.

Cũng theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, để ứng dụng thành công CNTT trong khám chứa bệnh trước hết đòi hỏi các bệnh viện cần đầu tư đầy đủ các phần mềm: HIS, LIS, RIS/PACS, EMR, HER…tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới mục tiêu bệnh viện không giấy tờ. Sau đó phát triển mạnh mẽ hệ thống ứng dụng chuyên sâu, ứng dụng hỗ trợ ra được quyết định lâm sang. Các hệ thống còn phải liên thông được với nhau, vận hành thống nhất trong hệ sinh thái và dữ liệu lớn y tế, hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh.

PV