Giáo dục

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ thay đổi thế nào?

  • Tác giả : Mai Nguyễn
(khoahocdoisong.vn) - Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ có những thay đổi phù hợp với mục tiêu của kỳ thi này.

Độ khó giảm nhưng vẫn có sự phân hóa

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ ra trên nguyên tắc học gì, dạy gì thi nấy, những chương trình tinh giản, không dạy sẽ không đưa vào trong đề thi.

Ông Mai Văn Trinh.

Ông Mai Văn Trinh.

Vì mục tiêu của kỳ thi năm nay là đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông so với chuẩn đầu ra của chương trình cho nên cấu trúc của đề thi cũng có sự điều chỉnh.

Cụ thể, cấu trúc đề thi sẽ tăng ở mức độ cơ bản là nhận biết, thông hiểu. Còn các câu hỏi ở mức vận dụng thấp, vận dụng cao sẽ có tỉ lệ ít hơn và độ khó cũng được điều chỉnh nhẹ hơn. Nhưng vẫn đạt được sự phân hóa.

Ở kỳ thi trước, cấu trúc đề thi tổ hợp có nhiều câu hỏi hơn, thời gian làm bài nhiều hơn. Nhưng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, câu hỏi sẽ ít hơn, thời gian làm bài ít hơn để phù hợp với mục tiêu kỳ thi.

“Kỳ thi sẽ vẫn gồm có 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Về cơ bản, 3 môn này giống hoàn toàn với các kỳ thi trước và các học sinh cũng vẫn đang ôn tập theo hướng này. Cho nên, các em hãy yên tâm”, ông Trinh nói.

Chỉ có điều khác, riêng hai bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ được cấu trúc nhẹ hơn và sẽ chỉ có một đầu điểm cho 3 môn, thay vì cho điểm cho mỗi môn thi thành phần. Tuy nhiên,vVì đề thi vẫn đạt được mức độ phân hóa ở mức độ phù hợp, cho nên nếu em học tốt môn nào thì điểm của môn đó cũng vẫn cao, không lo thiệt thòi.

Với yêu cầu của đề thi năm nay, trước hết các em phải học một cách toàn diện để đảm bảo nền tảng cơ bản và từ nền tảng đó thì tập trung sâu vào môn năng khiếu sở trường của mình để mà có định hướng cho cái việc lựa chọn nghề nghiệp đại học tới đây.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi THPT Quốc gia minh họa và các học sinh đã đang ôn tập theo đề này. Nhưng với sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, ông Trinh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ công bố đề thi minh họa tốt nghiệp THPT trong thời gian sớm nhất. 

Thời cơ chín muồi để thay đổi

Về lý do thay đổi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong đúng hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”, gây phản ứng tiêu cực từ phía dư luận, ông Trinh cho biết, thứ nhất là đã thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ mùng 1/7/2020.

Thứ hai, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù đã triển khai dạy trực tuyến, học trên truyền hình… tuy nhiên, không có sự bình đẳng đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước nhất là các em ở các vùng sâu vùng xa. Nếu vẫn duy trì kỳ thi THPT Quốc gia với cấu trúc đề như năm trước thì sẽ sẽ gây áp lực rất lớn và thiệt thòi cho các em.

Việc điều chỉnh lần này nằm trong lộ trình đổi mới thi từ năm 2015 theo tinh thần hướng tới một kỳ thi đánh giá chất lượng của việc học phổ thông và tinh thần của tự chủ giáo dục đại học. 

Đến thời điểm này, điều kiện để đổi mới đã khá chín muồi, cộng thêm thời điểm dịch bệnh thì việc quy hoạch lại kỳ thi và giảm độ khó kỳ thi cho sát với mục tiêu là phù hợp.

Về ý kiến cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 giống hệt kỳ thi tốt nghiệp của những năm trước đây, và bao năm cải tiến cuối cùng lại vẫn quay về như cũ, ông Trinh khẳng định, kỳ thi này không hề giống với kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 trước đây bởi nhiều khía cạnh. Cụ thể:

Trước năm 2015, sau khi tốt nghiệp THPT thì học sinh chỉ có duy nhất một con đường để vào đại học, đó là tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học. Kỳ thi diễn ra trong vòng một tháng với 4 lần thi dành cho các khối và một đợt dành cho cao đẳng, trong khi đó, thí sinh chỉ có duy nhất một cơ hội, như vậy rất thiệt thòi.

Từ năm 2015 trở lại đây, phương thức tuyển sinh đa dạng hơn rất nhiều, thêm nhiều lựa chọn, cơ hội cho thí sinh.

Nhưng thực tế, tổng hợp các số liệu 3 năm trở lại đây cho thấy, mỗi năm, chỉ có khoảng 75% thí sinh  có nguyện vọng thi để xét tuyển vào các trường đại học cao đẳng. Còn 25% chỉ có mục đích tốt nghiệp.

Vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 thực hiện tinh thần của Luật Giáo dục, những học sinh nào học xong chương trình lớp 12 không có nhu cầu học đại học thì lấy bằng tốt nghiệp hoặc khi không đỗ thì khi đó các em sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Với giấy chứng nhận này, các em có thể sử dụng xin việc, học trong các hệ thống trường nghề.

Giải thích về việc tại sao không thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Trinh cho biết, trước hết là theo Luật Giáo dục, học sinh học hết chương trình phổ thông cần có một kỳ thi để đánh giá chuẩn đầu ra. Thứ hai, nếu không tổ chức thi, động lực học tập của học sinh sẽ giảm rất nhiều, không thi sẽ không học.

Ngoài ra, kỳ thi sẽ xác lập được mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của mỗi học sinh. Đặc biệt, tấm bằng tốt nghiệp được đóng dấu xác nhận về chất lượng quốc gia. Như vậy, sẽ thuận lợi cho các em khi đi du học hoặc hội nhập quốc tế.

Nhiều ý kiến lo lắng về việc chỉ lấy một đầu điểm cho các bài thi tổ hợp sẽ gây những xáo trộn, khó khăn trong việc xét tuyển đại học, bà Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, để tạo điều kiện cho các trường trong việc xác định những tổ hợp với ngành nghề đào tạo, Vụ sẽ căn cứ vào tính chất và số lượng đầu môn thi của kỳ thi năm nay sẽ điều chỉnh quy chế tuyển sinh làm sao để tập hợp môn đó không quá khác lệch so với tổ hợp truyền thống.

Các trường sẽ lựa chọn trong những đầu điểm đã có để tự tổ hợp ra những tổ hợp xét tuyển, những bài thi nào phù hợp nhất. Ví dụ, thi phân môn cũ là khối B, Toán Hóa Sinh, thì đầu điểm Toán và môn khoa học tự nhiên là rất phù hợp cho việc xét tuyển vào khối này.

Mai Nguyễn