Đuổi bố mẹ ra đường
Tại buổi diễn đàn nhận diện bạo lực với người cao tuổi do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức mới đây, nhiều câu chuyện đau lòng về bạo hành với người cao tuổi được ôn lại. Câu chuyện ông Ngô Vi Nhân (87 tuổi) ngay khi vừa xuất viện đã bị các con gái và con rể đưa tới trải chiếu đặt nằm trên vỉa hè trước cửa ngôi nhà số 11, phố Núi Trúc (Hà Nội) đến nay vẫn nhiều người nhớ. Trong cái lạnh tê tái giữa mùa đông, ông phải nằm ngoài vỉa hè chỉ vì các con ông tranh chấp ngôi nhà.
Chuyện người mẹ phải ở ngoài đường chỉ vì đã hết hạn ở với con cả mà con thứ chưa đón cũng chua xót không kém. Rồi câu chuyện đau lòng con giết cha mẹ ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội chỉ vì xin tiền bố mẹ để trả nợ nhưng bị bố mẹ mắng chửi, tên Lưu Văn Thắng (sn 1986) đã dùng dao đâm liên tiếp vào bố mẹ mình dẫn đến tử vong.
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến người cao tuổi đã khá hoàn thiện, tuy nhiên sự tôn trọng người cao tuổi chưa được đảm bảo. Vẫn còn tình trạng ngược đãi, bạo hành, đối xử thô bạo với người cao tuổi, từ gia đình đến cộng đồng.
Nếu ai cũng tôn kính người cao tuổi thì không có bạo hành, không có chuyện ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) vừa rồi, con trai cả trắng trợn cướp đất đuổi bố mẹ ra đường, không có chuyện anh em chém giết nhau, bạo hành, nghiện hút, thiếu tôn trọng người cao tuổi, lừa lọc kiếm chác của nhau.
Trong những câu chuyện đó thì cũng có cả trách nhiệm của người cao tuổi trong việc giáo dục con cháu. Nhưng thực trạng người già bị bạo hành đang rất báo động.
Con dâu đánh, nhốt mẹ chồng
Đoạn clip đăng tải trên mạng xã hội về một bà cụ tên Nguyễn Thị N (75 tuổi, quê Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định) tố bị con dâu khóa cửa, nhốt, bóp cổ, bỏ đói trong nhà thu hút sự chú ý cũng như sự phẫn nộ của dư luận. Đoạn clip quay lại cảnh cụ bà ngoài 70 tuổi bị khóa cửa đứng trong nhà với giọng nói yếu ớt vì đói đã khiến nhiều người xót xa.
Bà cho biết mình có 5 đứa con nhưng đi ra Hà Nội làm hết, có mỗi cậu con trai ở nhà và hiện tại bà đang ở với người con trai này và cô con dâu thì xảy ra cơ sự.
Theo nhà văn Trang Hạ, đa phần cách truyền thông hiện nay làm cho người ta có cảm giác người già là nạn nhân của bạo lực với định kiến có sẵn mà không giúp gì cho người cao tuổi để tránh bạo lực. Những câu chuyện, clip về việc người già bị ngược đãi, đa phần chỉ thỏa trí tò mò của người đọc chứ chưa có trường hợp bị ngược đãi nào được đẩy lên thành một chiến dịch bảo vệ người cao tuổi khỏi bạo lực.
Bà Phạm Tuyết Nhung, Hội Người Cao tuổi Việt Nam cho rằng nhiều người nghĩ rằng người cao tuổi là gánh nặng, tài sản của bố mẹ là của con nên con có toàn quyền quyết định, người cao tuổi không được coi trọng. Thế là tài sản bị chiếm dụng. Ra đường đi không cẩn thận là có thể bị thanh niên mắng chửi, rồi bị con cháu bỏ mặc, sống cô đơn.
Ngược đãi người cao tuổi đang là một vấn đề lớn của xã hội cần được quan tâm đúng mức. Nhiều trường hợp bị ốm, bệnh, con cháu cho lên phòng nằm im ở đó, đến bữa thì osin bê cơm lên. Sống như thế cho đến cuối đời. Rồi nhiều người bị bắt buộc phải lao động, con cái đi du lịch để cháu ở nhà cho ông bà nuôi.
Hoặc con cái đi lao động nước ngoài, để lại cháu ở nhà ông bà chăm sóc. Vừa nuôi vừa sợ cháu nó có làm sao thì “chết với chúng nó”… Đó cũng là một dạng của ngược đãi người cao tuổi.
Ở Việt Nam, hơn 70% người cao tuổi không có lương hưu. Bởi thế, con cái tốt thì được nhờ, không thì cuộc sống sẽ rất khó khăn. Tình trạng ngược đãi người cao tuổi ở Việt Nam vẫn phổ biến mà chưa có chế tài để bảo vệ họ.
(Còn nữa)
Bảo Khánh