Thực quản xơ hóa không thể cầm được máu
Bệnh nhân Nguyễn Văn H. 42 tuổi (Phú Thọ) vào khoa cấp cứu bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trong tình trạng vừa nôn ra máu tươi với số lượng nhiều và đi ngoài ra máu, sốc mất máu mức độ nặng (đây là lần nôn ra máu tái phát thứ 4).
Các bác sĩ đã tiến hành khám, làm xét nghiệm, siêu âm cấp cứu và chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản do xơ gan mất bù do lạm dụng rượu nhiều năm. Bệnh nhân đã được nội soi thực quản – dạ dày, thắt tĩnh mạch thực quản cầm máu thành công, kết hợp với nội soi cầm máu, các bác sĩ đã cho truyền dịch và dung dịch cao phân tử để nâng huyết áp và truyền máu cấp cứu. Kết quả người bệnh dần ổn định và huyết động tạm ổn.
Sau 4 ngày điều trị, người bệnh lại bất ngờ đi ngoài ra máu trở lại, huyết áp lại tụt và lại sốc, tiếp tục được nội soi làm thủ thuật cầm máu, tuy nhiên lần này nội soi khó kiểm soát được do tình trạng thành thực quản đã xơ hóa do thắt nhiều lần, không thể cầm máu được.
Sau khi nội soi thắt tĩnh mạch thực quản không thành công, ekip Điện quang can thiệp đã được mời hội chẩn cấp cứu và chỉ định làm kỹ thuật tạo luồng thông cửa chủ trong gan qua da (TIPS). BS Trần Quang Lục, Trưởng khoa CĐHA - BV ĐK tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là kỹ thuật đặt một giá đỡ kim loại có màng phủ trong gan, tạo một dòng chảy trực tiếp từ tĩnh mạch cửa lên tĩnh mạch gan làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, kết hợp với nút các búi giãn tĩnh mạch thực quản để cầm máu. Các bác sĩ đã thực hiện thành công kỹ thuật và máu ngừng chảy ngay lập tức, người bệnh ổn định và đi ngoài phân vàng sau 2 ngày, các thông số huyết động về bình thường.
Tỷ lệ tử vong cao dễ tái phát
Theo BS Nguyễn Hữu Toản, giảng viên trường Đại học Y khoa Hà Nội, giãn tĩnh mạch thực quản là một trong những biểu hiện của hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Biểu hiện lâm sàng là nôn ra máu (ít hoặc ồ ạt). Những biểu hiện này xuất hiện khi tĩnh mạch đã bị giãn ở mức cực đại, gây thủng hoặc vỡ tĩnh mạch làm chảy máu. Các thống kê cho thấy, có đến 50% người mắc bệnh xơ gan bị giãn tĩnh mạch thực quản. Mỗi năm, số người bị giãn tĩnh mạch thực quản tăng khoảng 5 – 15%. Khi giãn tĩnh mạch thực quản chuyển sang biến chứng nặng sẽ bị vỡ. Nếu không đi kèm xơ gan, mức độ tử vong từ 5 – 10%. Nếu kèm theo xơ gan, tỷ lệ tử vong lên tới 40 – 70%. Với bệnh nhân vỡ tĩnh mạch thực quản, 40% trường hợp tự ngưng chảy máu. Thế nhưng, trong vòng sáu tuần sẽ có 30% chảy máu trở lại và trong vòng một năm, tỷ lệ chảy máu tái phát lên đến 70%.
PGS.TS Lê Văn Trường, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, ở Việt Nam, bệnh nhân xơ gan do viêm gan virus và do rượu có biến chứng chảy máu tiêu hóa ngày càng nhiều, mất nhiều thời gian nằm viện vì chảy máu tái diễn nhiều lần do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày. Đây vẫn là vấn đề khó khăn trong xử lý cấp cứu và dự phòng tái phát. Các biện pháp cấp cứu điều trị cầm máu chủ yếu đang được áp dụng là điều trị nội khoa (truyền máu, thuốc tăng đông, chẹn beta…) và can thiệp nội soi (tiêm xơ hoặc thắt tĩnh mạch giãn bằng vòng cao su). Hiệu quả của các phương pháp trên không lâu bền vì không có tác dụng làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, vì vậy, tỷ lệ chảy máu tái phát còn cao. Phương pháp can thiệp nội mạch tạo Shunt cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh (TIPS) đạt hiệu quả cao hơn trong kiểm soát chảy máu cấp tính và ngăn chặn chảy máu tái phát.
BS Trần Quang Lục cho biết, TIPS là phương pháp can thiệp qua da tạo luồng thông cửa – chủ làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa, từ đó điều trị và dự phòng chảy máu tiêu hóa tái phát. TIPS có thể kết hợp với nút búi giãn tĩnh mạch thực quản gây chảy máu (điều này tốt hơn làm TIPS thông thường). Đây là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu. Tỷ lệ chảy máu tái phát sau can thiệp thấp hơn nhiều so với điều trị nội khoa và nội soi, đặc biệt là có sự hỗ trợ của khung giá đỡ có màng phủ.