Y học và đời sống

Xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản

  • Tác giả : Phạm Hằng
(khoahocdoisong.vn) - Vỡ tĩnh mạch thực quản rất thường gặp và là một trong những nguyên nhân chảy máu đường tiêu hóa.

Nôn ra máu, đi ngoài phân đen

Bệnh nhân Dương Thế M. (Phú Thọ) cách đây 1 năm đã từng phát hiện viêm gan B, xơ gan và từng bị giãn tĩnh mạch thực quản phải vào viện thắt vài lần. Đợt phát bệnh lần này, bệnh nhân có triệu chứng nôn ra máu đỏ tươi lẫn máu cục, không lẫn thức ăn, mất máu nhiều phải truyền 3 đơn vị máu tại bệnh viện tỉnh và được bất động, chuyển tới bệnh viện 103. Tuy nhiên, do quãng đường chuyển xa, mặc dù bệnh nhân nhập bệnh viện 103 trong tình trạng tỉnh táo, nhưng mất máu quá nhiều dẫn đến niêm mạc nhợt, tim đập nhanh và đã được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản, được các bác sĩ cấp cứu kịp thời.

BS Đặng Việt Dũng, Bệnh viện 103 cho biết,  người đã từng mắc bệnh xơ gan, hoặc uống rượu nhiều thì đều có khả năng xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản. Nguyên nhân do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản. Khi giãn to không thắt được thì sẽ vỡ tĩnh mạch thực quản.

Triệu  chứng đầu tiên của những bệnh nhân này là nôn ra máu nhiều, máu đỏ tươi, đi ngoài phân đen (phân có máu), phân nhão, thối khắm, khó chịu. Người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, thậm trí choáng, ngất. Đó là một trong triệu chứng tụt huyết áp. Tuy nhiên, những người bị bệnh xơ gan thường không có biện pháp dự phòng, hoặc kiểm soát bệnh, điều trị triệt để nên mới dẫn đến tình trạng vỡ tĩnh mạch thực quản.

Vì vậy, để phòng bệnh, thì người mắc bệnh xơ gan, viêm gan cần kiểm soát dự phòng chống vỡ tĩnh mạch thực quản bằng cách tới các bệnh viện chuyên khoa để kiểm soát độ giãn tĩnh mạch thực quản, từ đó bác sĩ sẽ có phương pháp thắt dự phòng tĩnh mạch thực quản để chống vỡ.

Đặt bóng chèn giúp cầm máu

Trường hợp của bệnh nhân M và nhiều bệnh nhân khác, do máu chảy quá nhiều, đe dọa tới tính mạng, huyết động không ổn định, các bác sĩ không nhìn thấy vết vỡ để thắt tĩnh mạch thực quản, nên biện pháp xử lý cấp cứu là phải đặt bóng chèn giúp cầm máu rồi tiến hành nội soi cấp cứu thắt tĩnh mạch thực quản. Bệnh nhân được truyền máu, dịch truyền và uống thuốc cầm máu, vì vậy bệnh nhân đã thoát khỏi tử vong.

BS Dũng nhấn mạnh, vỡ tĩnh mạch thực quản nếu bị mất lượng máu lớn mà không được xử lý kịp thời có thể trụy tim mạch, tử vong nhanh. Những trường hợp có dấu hiệu vỡ, giãn cần được bất động và chuyển ngay tớ cơ sở y tế gần nhất. Mặt khác, bệnh nhân phải kiểm soát độ giãn tĩnh mạch thực quản để tránh vỡ. Khi giãn độ 3 cần được thắt tĩnh mạch thực quản. Có bệnh nhân thắt đi thắt lại 5-7 lần, số lượng thắt không quan trọng, bác sĩ sẽ thắt tĩnh mạch thực quản cho đến khi nào bệnh nhân không thể thắt được thì thôi.

Phạm Hằng