Dinh dưỡng học đường

Bổ sung kẽm kết hợp vitamin C

  • Tác giả : Hương Lan
(khoahocdoisong.vn) - Kẽm là một khoáng vi lượng không thể thiếu trong quá trình phát triển của cơ thể. Kẽm bảo vệ hệ thống miễn nhiễm, nhất là cơ quan sinh dục và tiền liệt tuyến.

Vai trò kẽm rất cần thiết cho việc tổng hợp protein và hình thành collagen cho mọi tế bào, kể cả làn da. Kẽm ngăn chặn sự co cơ (vọp bẻ, chuột rút) và giúp tạo insulin ngừa đái tháo đường. Kẽm quan trọng cho việc ổn định hệ miễn dịch và hồng cầu, đặc biệt kẽm rất cần cho sự phát triển và duy trì hoạt động cơ quan sinh dục, nhất là tuyến tiền liệt.

Đối với trẻ em, theo công bố của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2015, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm là 69,4%, ở các tỉnh miền núi là 80,8%. Kẽm có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym, là chất xúc tác không thể thiếu trong tổng hợp ADN, RNA và phân chia tế bào. Thiếu kẽm, sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra bình thường, ảnh hưởng tới sự tăng trưởng, gây ra suy dinh dưỡng thấp còi.

Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, bổ sung kẽm giúp làm giảm 18% trường hợp tiêu chảy, 41% trường hợp viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong trên 50%. Nhu cầu kẽm của thanh thiếu niên và người trưởng thành khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ. Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), giá đỗ cũng giàu kẽm và dễ hấp thu.

Theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thiếu kẽm ở trẻ em nước ta được biết đến do hai nguyên nhân chính: Tình trạng mắc các bệnh nhiễm khuẩn thường xuyên khiến cho tần suất sử dụng kháng sinh cao, lượng kẽm trong cơ thể trẻ bị giảm; Do chế độ ăn của trẻ không thường xuyên được bổ sung các thực phẩm giàu kẽm hoặc trẻ bị thiếu kẽm bẩm sinh do khi mang thai mẹ không bổ sung đủ vi chất cần thiết. Những trẻ thiếu kẽm thường chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao, trẻ chán ăn hoặc giảm ăn, không ăn thịt cá, chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn…

Trẻ thiếu kẽm còn bị rối loạn giấc ngủ, thức giấc nhiều lần trong đêm, hay bị nhiễm trùng tái diễn ở đường hô hấp, viêm đường tiêu hóa, viêm da. Nhận biết trẻ thiếu kẽm không khó. Khi gặp các dấu hiệu trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và bổ sung kẽm kịp thời theo chỉ định của bác sĩ. Trong các bữa ăn hàng ngày, mẹ nên bổ sung các thực phẩm giàu kẽm cho trẻ, tuy nhiên để hấp thụ kẽm tốt nhất, mẹ nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ chính các loại trái cây tươi giàu lượng vitamin C sẵn có như cam, chanh, quýt, bưởi…

Hương Lan