Phân tích kỹ hơn, ông Hải cho biết, CPI tháng 10 đã giảm 0,2% so với tháng trước nhưng tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng năm nay, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, nhưng là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Đồng thời, lạm phát cơ bản tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Hải thừa nhận, việc các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, than, giá vận chuyển tăng sẽ ảnh hưởng tới giá thành, chi phí sản xuất... kéo theo giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.
Nhưng Chính phủ hiện đang nỗ lực để giá tăng không quá cao.
Cụ thể, nhờ quỹ bình ổn giá, giá xăng trong nước từ đầu năm đến nay tăng 40,23 - 52,59%, vẫn thấp hơn mức tăng 59,08 - 76,03% trên thế giới.
Về giá điện, trong năm 2020 - 2021 đã có 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện với tổng số tiền lên đến 16.650 tỷ đồng.
Đặc biệt, Bộ Công thương đã quyết định không tăng giá điện trong năm 2021, dù theo Quyết định 24, khi giá các mặt hàng đầu vào tăng, có thể điều chỉnh tăng giá điện.
Nhận định tình hình giá nguyên liệu trong thời gian tới, ông Hải cho rằng giá cả nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng. Điều này sẽ gây áp lực lớn lên lạm phát.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đưa ra 3 giải pháp chính để kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn cung hàng hoá.
Cụ thể, theo dõi chặt chẽ giá cả, diễn biến, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới, từ đó có những điều chỉnh thích hợp đối với trong nước.
Thứ hai, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hoá, giảm áp lực lạm phát.
Chính phủ sẽ có các chính sách chỉ đạo để minh bạch giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.
Thứ ba, nỗ lực đàm phán để có được nguồn nguyên liệu thô ổn định, lâu dài thông qua tăng cường hợp tác từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp.