KINH TẾ

CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4,9%

  • Tác giả : Hồng Linh
(khoahocdoisong.vn) - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của cả nước giảm 1,54% so với tháng trước và tăng 2,93% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho biết, các nguyên nhân làm giảm CPI  chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh, giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm khi người dân thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,9%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, so với tháng trước, 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Nhóm giao thông giảm nhiều nhất, với mức giảm 13,86% do ảnh hưởng của 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào ngày 29/3 và ngày 13/4/2020.

Bên cạnh các nguyên nhân làm giảm CPI, có một số nguyên nhân làm tăng CPI tháng 4/2020 gồm: Giá thực phẩm tăng 0,62% (trong đó, giá thịt lợn tăng 1,62%; giá thịt bò tăng 0,55%; giá gạo tăng 2,51%; giá trứng tăng 1,48%; giá rau tươi tăng khoảng 3,54%; giá thịt chế biến tăng 1,04%; thủy sản chế biến tăng 1,4%; Chỉ số giá nước sinh hoạt tăng 0,31% do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân hạn chế ra ngoài nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt tăng cao hơn.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,66%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,06%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03% do nhu cầu về một số loại vật tư y tế, thuốc phòng và chữa bệnh tăng. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.

Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, nên tỷ giá giữa VND và USD tháng 4/2020 tăng 0,95%, giá USD bình quân ở thị trường tự do tháng 4/2020 ở quanh mức 23.315VND/USD. Chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 0,69% so với tháng trước.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 4/2020 giảm 0,15% so với tháng trước, tăng 2,71% so với cùng kỳ năm trước; 4 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2020 lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: giá lương thực, thực phẩm, giá một số dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm trước.

Hồng Linh