Chiều cùng ngày nhập viện, bệnh nhi L. (8 tuổi, trú tại Gò Dầu, Tây Ninh) theo gia đình đi ra ruộng chơi thì không may bị ong nghệ đốt gần 20 mũi.
Sau đó, bệnh nhi nổi đỏ toàn thân, khó thở và ngất, gia đình nhanh chóng đưa vào trạm y tế gần nhà, tình trạng bệnh nhi diễn tiến nguy kịch, huyết áp không đo được. Sau khi xử trí bước đầu, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.
Khoa Cấp cứu tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng rất nguy kịch, da ửng đỏ, phù mi mắt, sốt, mệt nhiều và khó thở, cơ thể có gần 20 nốt sưng phù do ong đốt. Các chỉ số xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có tình trạng sốc phản vệ nặng.
Các bác sĩ xử trí hồi sức tích cực. Sau một ngày, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi đã ổn định hơn, giảm mệt, khó thở. Hiện, sức khỏe bé gái đã ổn định và được xuất viện.
Theo các bác sĩ, hiện tại ở thời điểm mùa hè là mùa có nhiều loại hoa quả chín thu hút ong về làm tổ, kiếm ăn. Hiện cũng là dịp nghỉ hè, các bé được nghỉ học nên hay ra vườn, ra đồng chơi. Vì thế, phụ huynh cần lưu ý với hành động hay đùa giỡn, hiếu động và chưa ý thức được sự nguy hiểm của các bé, dễ vô tình động đến tổ ong.
Việc nên và không nên làm khi bị ong đốt
Theo các bác sĩ, khi bị ong đốt nên sơ cứu nhanh chóng và theo dõi biểu hiện của nạn nhân. Nếu có các dấu hiệu nặng: Khó thở, nhịp tim nhanh, nổi mề đay,… cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Đặc biệt, nạn nhân càng bị nhiều vết ong đốt càng cần đưa đến bệnh viện sớm nhất có thể.
Tuyệt đối không dùng các phương pháp dân gian (vôi, ruột ong,…) hay dùng các loại thuốc không theo chỉ định của bác sĩ để xử trí nạn nhân; không nặn vết chích để lấy kim ong, vì sẽ làm độc tố lan nhanh ra khắp cơ thể, ngấm sâu vào tế bào khiến quá trình cứu chữa khó khăn hơn.