Trong nước

Thai phụ 23 tuổi sốc phản vệ nghi dị ứng sau ăn trứng cò

  • Tác giả : Thu Hương (T/H)
Một thai phụ ở Quảng Ninh nhập viện trong tình trạng khó thở, mẩn đỏ, có dấu hiệu suy thai sau khi ăn trứng cò.

Ngày 12/6, tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã tiếp nhận một trường hợp sản phụ đang mang thai 38 tuần 1 ngày, nhập viện trong tình trạng khó thở, lơ mơ, ngứa, nổi mẩn toàn thân, xuất hiện cơn co tử cung nhẹ, dấu hiệu suy thai, tim thai 70-80 lần/ phút.

Sản phụ là chị P.T.N.A. (23 tuổi, trú tại xã Lê Lợi, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Ngay lập tức các bác sĩ và điều dưỡng trong ca trực đã kích hoạt báo động đỏ trong toàn viện, xử trí các biện pháp hồi sức tích cực, bóp bóng qua ống nội khí quản, dùng Adrenalin, Methyl prednisolon, Dimedrol, truyền dịch cấp cứu sản phụ.

Phía gia đình sản phụ thông tin, gia đình 6 người có ăn trứng cò lấy trong rừng về để nấu ăn, sau 1 giờ đồng hồ 3 người trong gia đình gồm sản phụ, em trai và em gái cùng xuất hiện triệu chứng giống như ngộ độc, dị ứng, nổi mẩn toàn thân và khó thở.

Hai mẹ con sức khỏe đã ổn định. Ảnh: Vietnamnet

Hai mẹ con sức khỏe đã ổn định. Ảnh: Vietnamnet

Sau khi các ý bác sĩ hội chẩn, kết quả nhận được là bệnh nhân bị sốc phản vệ độ 2, suy thai cấp, được chuyển đến phòng mổ chỉ định mổ cấp cứu lấy thai ngay để bảo toàn tính mạng cho hai mẹ con. Bé trai nặng 2.500gram, khóc yếu, phản xạ yếu, suy hô hấp sơ sinh, được bác sĩ sơ sinh đón, hồi sức tích cực, đặt ống nội khí quản tại phòng sinh và chuyển Khoa Sơ sinh theo dõi, chăm sóc thiết yếu. Sản phụ cũng chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực tiếp tục thực hiện hồi sức và chăm sóc sau sinh.

Sau 7 ngày nhờ sự chăm sóc tận tình và kịp thời của nhân viên y tế, sản phụ và con đã hồi phục tốt, bệnh nhân tỉnh, tự thở, SpO2 99%, bụng mềm, không sốt không còn ban đỏ. Riêng trẻ phản xạ tốt, tự thở, tự bú, sữa ăn tiêu, được ghép mẹ và vừa được xuất viện cùng mẹ.

Phòng tránh dị ứng thực phẩm khi mang thai cho bà bầu

Bệnh dị ứng thức ăn có thể ghé thăm bà bầu bất kỳ lúc nào, chính vì vậy các bà mẹ cần phải áp dụng các biện pháp phòng tránh căn bệnh này. Cụ thể như sau:

- Hạn chế dùng các thực phẩm mà mình đã từng bị dị ứng trước đó.

- Cũng nên hạn chế dùng những loại thực phẩm mà trước đây chưa hề dùng tới.

- Tuyệt đối không dùng lại thực phẩm đã ôi thiu hay dùng lại đồ ăn để qua đêm. Chỉ nên nấu một lượng vừa đủ và dùng hết trong ngày.

- Chú ý nấu chín kỹ thức ăn, không nên dùng thực phẩm sống, tái...

- Tăng cường uống nhiều nước để hỗ trợ hoạt động trao đổi chất, lọc thải của cơ thể. - Ngoài việc dùng nước lọc cũng nên xen kẽ dùng thêm nước trái cây, nước ép... để cung cấp thêm dinh dưỡng.

- Nếu xảy ra các triệu chứng như nổi mề đay, đau bụng, tiêu chảy hoặc ngứa toàn thân khi đang sử dụng thực phẩm thì nên dừng lại ngay để tìm hiểu rõ nguyên nhân.

- Tránh ăn những loại thực phẩm cay, đắng để hạn chế nguy cơ bị dị ứng.

- Đối với những mẹ bầu thích ăn hải sản thì nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ăn tôm, cua, nhộng, cá biển, vv... để tránh bị dị ứng.

- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể... Nhờ đó mẹ có khả năng phòng chống bệnh tốt hơn.

Thu Hương (T/H)