Dữ liệu y khoa

Bệnh cúm gia tăng, người dân không nên chủ quan

  • Tác giả : Thúy Nga
Dù chưa ghi nhận ca tử vong và chủng có độc lực cao nhưng bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm nên khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan.

Hiện dịch cúm đang bùng phát tại các tỉnh phía Bắc. Tại Hà Nội ghi nhận 2.065 trường hợp cúm. 4 tháng đầu năm 2022, mỗi tháng ghi nhận dưới 400 ca/tháng. Từ tháng 5 số ca mắc bắt đầu tăng lên 556 ca, tháng 6 là gần 900 ca. Ca nhập viện do cúm tăng nhưng chưa ghi nhận chủng có độc lực cao.

TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thêm mỗi năm nước ta ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca cúm thường. Tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm. Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca, Hà Nội hơn 2.000 ca có tăng nhẹ nhưng không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không có tử vong, chủ yếu là cúm thường.

"Thời gian qua nhiều tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm A không có độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8, H7N9.

Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường giám sát trọng điểm, phát hiện các ca bệnh tại cộng đồng, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh và truyền thông để người dân hiểu và dự phòng"- TS Nguyễn Lương Tâm nói.

cum-a1.jpg
Cúm nhập viện tăng cao nhưng chưa ghi nhận ca tử vong và chủng có động lực cao.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện có 4 dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam là COVID-19, sốt xuất huyết tay chân miệng và cúm. Trong đó, các ca cúm có xu hướng tăng tại miền Bắc thời gian gần đây. Hiện nay lưu hành chủ yếu là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.

"Đến nay, chúng ta chưa phát hiện các chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng tăng trong thời gian gần đây"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Vì thế, Thứ trưởng đề nghị để phòng chống các bệnh cúm cần tăng cường giám sát, đặc biệt là giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa, đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng, bệnh viện để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồn khám sàng lọc để tăng hiệu quả khám chữa bệnh.

Lý giải nguyên nhân số ca cúm A tăng, TS Nguyễn Lương Tâm phân tích, trong 2 năm dịch COVID-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm ít.

Tuy nhiên sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Vì vậy số ca mắc có xu hướng tăng.

Bất kỳ chủng cúm nào cũng nguy hiểm vì đều có khả năng gây biến chứng viêm phổi. Vì thế, khi có dấu hiệu cúm, sốt, ho… người dân không nên chủ quan. Nếu có các triệu chứng nặng nên vào viện để được hỗ trợ, đặc biệt là để được phân lập, xác định chủng virus cúm đang mắc phải để có hướng điều trị kịp thời.

Ngoài ra, để phòng bệnh cúm, người dân nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người, tiếp xúc với người bệnh…

Thúy Nga