Dữ liệu y khoa

Cúm trái mùa tăng: Lành tính nhưng biến chứng rất nguy hiểm

  • Tác giả : Thúy Nga
Cứ 60 giây lại có 1 người tử vong do những biến chứng của cúm. Cúm mùa tuy lành tính nhưng dễ biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não... gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Cấp cứu chỉ sau vài tiếng xuất hiện triệu chứng đầu tiên

Chị H.T. (Hà Nội) không thể ngờ được cơn sốt “chớp nhoáng” lại quật ngã chị nhanh như vậy. Khi vừa bắt đầu chị chỉ cảm thấy ngây ngấy sốt và rét, đau buốt xương và nhức người. Tưởng mình bị tái nhiễm Covid-19 chủng mới chị làm test nhanh tại nhà cho kết quả âm tính. Sau đó, sốt đột ngột tăng cao 39 – 40 độ C, uống thuốc hạ sốt không giảm. Sau 8 tiếng đồng hồ chị từ người khỏe mạnh phải nhập viện cấp cứu vì biến chứng của cúm A.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho biết, bệnh cúm A trái mùa tăng đột biến ở mùa hè năm nay với hàng loạt ca bệnh khởi phát đột ngột, sốt cao, diễn biến nhanh, dễ trở nặng, nhiều trường hợp cấp cứu với tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp...

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội, mỗi ngày bệnh viện cũng tiếp nhận hàng chục bệnh nhân có dấu hiệu cúm A đến thăm khám và điều trị. ThS.BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp cho biết, như các năm thời điểm này dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước sau đó mới đến cúm A, nhưng năm nay ghi nhận sự đảo ngược so với ca mắc sốt xuất huyết khi chỉ ghi nhận lác đác vài ca nhưng bệnh nhân cúm A lại tăng "bất ngờ".

cum-nang-1.png
Cúm trái mùa tăng: Lành tính nhưng biến chứng rất nguy hiểm.

Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A. TS.BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho hay, mùa hè không phải là thời điểm dịch cúm mùa bùng phát bởi thời tiết khô nóng không thích hợp về nhiệt độ, độ ẩm cho virus cúm phát triển và gây bệnh.

Loại virus này thường phát triển mạnh vào mùa đông xuân ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm (chủ yếu tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10)... Do vậy, ban đầu các bác sĩ không nghĩ đến căn bệnh này. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám thấy bệnh nhân có những biểu hiện rầm rộ và điển hình của bệnh cúm, các bác sĩ đã tiến hành thêm xét nghiệm khẳng định và đã phát hiện nhiều trẻ mắc cúm A.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính hằng năm cúm mùa tấn công 5 - 10% người lớn và 20 - 30% trẻ em, gây ra các mức độ bệnh tật, nhập viện và tử vong. Bệnh nặng và tử vong xảy ra chủ yếu ở những nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em, người già trên 65 tuổi và người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, béo phì, suy giảm miễn dịch…

Cũng theo WHO, cứ 60 giây trôi qua lại có 1 người tử vong vì cúm, người ta không chết vì cúm mà chết vì những biến chứng của cúm như viêm họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản kịch phát, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Dễ lây lan và thành dịch bệnh nguy hiểm

Theo các chuyên gia y tế, số bệnh nhân cúm A tăng vào mùa hè như hiện nay là bất thường so với mọi năm. Nguyên nhân của tình trạng này, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương phân tích, bệnh cúm A (Influenza virus A) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra rầm rộ vào mùa Đông – Xuân, khi chuyển giao giữa hai mùa (cúm do mùa).

Ở thời điểm hiện tại, nguyên nhân gây bệnh cúm trái mùa là do virus cúm bùng phát mạnh mẽ giữa mùa Hè, chủ yếu do các chủng virus như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9… gây nên.

Đặc biệt, trong 3 tuýp cúm mùa A,B,C thì cúm tuýp A có nguy cơ gây bệnh rầm rộ hơn và nhanh chóng lây lan thành dịch. Cần lưu ý, virus cúm A có đặc điểm rất đặc trưng như tính cảm thụ cao, thời gian ủ bệnh rất ngắn từ 1 - 2 ngày, cơ chế lây truyền, khả năng tồn tại lâu dài khiến bệnh cảnh diễn biến nhanh chóng, gây ra biến chứng nặng nề, thời gian điều trị kéo dài và tốn kém chi phí.

cum-nang.png
Cúm trái mùa.

Bệnh cúm A trái mùa lây lan rất nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn nhỏ từ cơ thể người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với đồ vật, bề mặt có virus, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Cúm có tốc độ lây lan cực nhanh: Người lớn có thể lây virus cúm cho người khác bắt đầu từ 1 ngày trước khi có triệu chứng và khả năng lây kéo dài từ 5 - 7 ngày sau khi nhiễm bệnh. Một hành khách trên máy bay có triệu chứng nhiễm cúm có thể lây bệnh cho 72% số người còn lại. Trong khi đó, môi trường làm việc như công sở có nguy cơ lây nhiễm cúm cao thứ 2 chỉ sau bệnh viện.

Virus cúm tồn tại khắp nơi, virus có thể bắn xa và lây trong phạm vi 2m. Chính vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể mắc cúm, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và người lớn tuổi. Các chuyên gia cảnh báo, cúm mùa năm 2022 đang có diễn biến nguy hiểm rất bất thường, nếu không chủ động phòng ngừa chúng ta rất có thể đối mặt với tình trạng cúm mệt mỏi, đau nhức thậm chí gặp các biến chứng viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ, tiêu cơ vân, suy hô hấp, suy thận…

Nguy cơ tử vong ở nhóm nguy cơ cao

Triệu chứng ban đầu của bệnh cúm A tương tự các bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác gồm: Sốt kèm cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức cơ, ăn không ngon; cơ thể suy nhược, đau họng, viêm họng, ho khan; hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở, có thể tiêu chảy…

Điểm khác là trẻ thường sốt cao 39 - 400C, da mắt, họng bị sung huyết. Trẻ nhỏ có thể mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, khi bệnh nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

cum-nang-2.jpg
Cúm trái mùa tăng: Lành tính nhưng biến chứng rất nguy hiểm.

Khi có những triệu chứng cảnh báo trên, trẻ em và người lớn cần được đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, chăm sóc thích hợp. Bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu, nếu bị biến chứng gồm viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ được nhập viện.

Bệnh cúm mùa không điều trị hoặc điều trị quá muộn khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng trẻ em, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu.

Một số trường hợp bệnh cúm có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ. Nếu có các biểu hiện bất thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng đáng tiếc.

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm mùa là hội chứng Reye (gây phù ở gan và não) rất trầm trọng và tỷ lệ tử vong rất cao.

Thai phụ bị cúm có thể gây ra biến chứng phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, không gây quái thai.

Phòng ngừa cúm trái mùa

• Rửa tay thường xuyên trước khi đưa tay lên mắt - mũi - miệng. Khi ho, hắt hơi cần che miệng, mũi bằng khăn giấy rồi bỏ vào thùng rác. Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý.

• Giữ ấm cơ thể, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Thường xuyên tập luyện thể thao, vận động ngoài trời.

• Mang khẩu trang khi đến chỗ đông người. Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp, giữ khoảng cách an toàn (trên 1m).

• Giữ gìn vệ sinh nhà cửa thông thoáng, lau chùi bề mặt các vật dụng bằng dung dịch sát khuẩn như cồn 70 độ.

• Tiêm phòng văcxin cúm mùa định kỳ hằng năm.

Thúy Nga