NHÌN THẲNG

Báo KH&ĐS: Khởi công xây dựng cầu tại Ấp Bà Nhì, Trà Vinh

  • Tác giả : Kim Thanh – Hương Giang
(khoahocdoisong.vn) - Ngày 23/4, báo Khoa Học & Đời Sống phối hợp với UBND xã Đôn Xuân thực hiện lễ khởi công xây dựng cầu thuộc ấp Bà Nhì, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Cây cầu chất liệu bê tông cốt thép, có chiều dài 43m, ngang 2,7m, xe tải nhỏ và xe cứu thương có thể chạy qua. Cây cầu dự kiến hoàn thành khoảng 120 ngày. 

Nối liền 2 xã yêu thương

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Phó chủ tịch UBND Huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh tham dự lễ khởi công chia sẻ: "Cầu có ý nghĩa rất hay là kết nối người dân ở hai xã được liền ấp với nhau (cùng ấp Bà Nhì) vì ấp này thuộc xã Đôn Xuân và xã Đôn Châu. Dự kiến sẽ mở đường lộ từ tỉnh lộ 914 vào khoảng gần 2km tới dọc cây cầu, và ở phía bên kia cầu thuộc xã Đôn Châu cũng sẽ có một trục đường lộ. Cây cầu sẽ nối hai trục đường lộ của hai xã này.”

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (thứ hai từ phải qua) tại Lễ Khởi Công xây dựng cầu Ấp Bà Nhì

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (thứ hai từ phải qua) tại Lễ Khởi Công xây dựng cầu Ấp Bà Nhì

Bà Thái Thị Mỹ Dung - bí thư Đảng ủy xã Đôn Xuân, Huyện Duyên Hải, Tỉnh Trà Vinh cho biết: "Cây cầu này sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi và vận chuyển hàng hoá, giao thương, đời sống sẽ được cải thiện hơn. Xã cũng mong có cây cầu này lâu lắm rồi, nhưng chưa tìm được đơn vị ủng hộ và tài trợ. Nhờ báo Khoa Học & Đời Sống kết nối tài trợ nên chúng tôi rất vui mừng." 

Cầu khỉ tại Ấp Bà Nhì trước Lễ Khởi công xây dựng.

Cầu khỉ tại Ấp Bà Nhì trước Lễ Khởi công xây dựng.

Nghe tin khởi công cây cầu, bà con trong ấp đến tham dự rất đông, chị Dương Thị Hồng có 3 con, sinh sống bên kia cây cầu hơn 20 năm đã chia sẻ: “Báo Khoa Học & Đời Sống hôm nay xuống khởi công xây dựng cây cầu rất ý nghĩa với người dân chúng tôi. Có cái cầu thì vui lắm, bà con được đi lại, mấy đưa nhỏ đi học sẽ an toàn hơn, đỡ lo hơn".

Đại diện Báo Khoa học & Đời sống, Lãnh đạo huyện Duyên Hải và bà con ấp Bà Nhì chụp hình lưu niệm tại lễ khởi công

Đại diện Báo Khoa học & Đời sống, Lãnh đạo huyện Duyên Hải và bà con ấp Bà Nhì chụp hình lưu niệm tại lễ khởi công

Nhà báo Bùi Hương – Trưởng CQTT báo Khoa Học & Đời Sống tại TPHCM cho biết: “Khởi công cây cầu nhân kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), cũng là chương trình  nằm trong chuỗi hoạt động “Chào mừng 60 năm ngày Báo Khoa Học & Đời Sống ra số báo đầu tiên 30/9/1959 – 30/9/2019”. Cây cầu do báo KH&ĐS làm chủ đầu tư cùng với Hội tennis Mattana và nhân dân địa phương đóng góp xây dựng”.

Với cây cầu mới, đời sống nhân dân địa phương sẽ đổi thay tích cực

Theo ban tổ chức, Cây cầu sẽ xây dựng cầu chất liệu bê tông cốt thép, có chiều dài 43m, ngang 2,7m, xe tải nhỏ và xe cứu thương có thể chạy qua. Do, lâu nay giao thông không thuận tiện, đi bằng cầu khỉ nên không chỉ là trẻ em đến trường khó khăn mà người già, trẻ nhỏ hay người bệnh rất khó khăn khi bị bệnh mà không có phương tiện đưa đến bệnh viện.

Nhà báo Bùi Hương (bìa trái) – Trưởng CQTT báo Khoa Học & Đời Sống tại TPHCM trao đổi về phương án thi công xây dựng cầu Ấp Bà Nhì.

Nhà báo Bùi Hương (bìa trái) – Trưởng CQTT báo Khoa Học & Đời Sống tại TPHCM trao đổi về phương án thi công xây dựng cầu Ấp Bà Nhì.

Ông Trầm Trường Sơn – Chủ tịch UBND xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Ấp Bà Nhì là ấp vùng láng, có diện tích tự nhiên 342,2ha, toàn ấp có 399 hộ, tỷ lệ hộ nghèo - hộ cận nghèo còn cao, chiếm 36.09%, đồng bào dân tôc Khmer chiếm 43.12%, kinh tế chủ yếu của người dân là nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa, màu”.

Ông Trường Sơn cảm động chia sẻ: “ Cảm ơn báo KH&ĐS đã giúp cho địa phương đầu tư xây dựng cầu là rất cần thiết vì đáp ứng cho việc sản xuất kinh doanh và dân sinh trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân trong vùng, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo”.

Theo ông Sơn,  nếu cây cầu xây dựng xong sẽ tạo điều kiện tốt cho việc đi lại và không còn cảnh qua cầu tạm trơn trượt trong mùa mưa nhất là những trẻ em được cấp sách đến trường một cách dễ dàng, các sản phẩm sau thu hoạch được vận chuyển, buôn bán thuận lợi hơn, không còn cảnh nông dân bị tư thương ép giá vì lợi dụng sự khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, góp phần không nhỏ trong hạn chế chi phí đầu vào và tăng giá trị sản phẩm trong đầu ra.

Kim Thanh – Hương Giang