NHÌN THẲNG

Nối đôi bờ yêu thương: chấm dứt 1 người qua 3 người chờ

  • Tác giả : Nhóm phóng viên            
(khoahocdoisong.vn) - Cây cầu phục vụ đi lại cho 90 hộ dân trong vùng, hơn 100 lượt người qua lại cầu/ngày nhưng vật liệu chính được làm từ tre nối liền 2 khu vực dân cư. 

Gập ghềnh con đường đến cầu

Đầu năm 2019, báo KH&ĐS đã tổ chức chuyến đi trao quà cho người già neo đơn nghèo & học bổng cho học sinh nghèo ở các xã khó khăn của tỉnh Trà Vinh - (thuộc chương trình 135). Đoàn đã không khỏi xót xa khi chứng kiến những người dân nơi đây đi lại vất vả và cuộc sống vô cùng khó khăn. Giao thông nơi đây còn nhiều hạn chế.

Người dân đang đi qua cây cầu khỉ thuộc Ấp Bà Nhì, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Người dân đang đi qua cây cầu khỉ thuộc Ấp Bà Nhì, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Sau nhiều ngày tìm hiểu, ngày 5/4, báo Khoa Học & Đời Sống đã đi xuống khảo sát tình hình thực tế về cây cầu khỉ thuộc Ấp Bà Nhì, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Cây cầu phục vụ đi lại cho 90 hộ dân trong vùng, hàng ngày có hơn 100 lượt người qua lại cầu nhưng vật liệu chính được làm từ tre, mà theo người dân nơi đây vẫn nói muốn qua được cầu thì 1 người qua 3 người chờ.

Đoàn chúng tôi phải nhờ xe gắn máy do người địa phương chở để đi vào trong ấp này. Cách UBND xã có chừng 5 km nhưng chúng tôi phải đi mất 30 phút mới đến được cây cầu này. Trời thì nắng gắt, đường thì nhỏ và bụi, kênh rạch nhiều, nhà cửa xung quanh nhỏ bé, tềnh toàng, nhà làm chủ yếu được làm và lợp bằng lá dừa nước. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được cây cầu khỉ ở ấp Bà Nhì.

Chú Thạch Sơn đang qua cầu gặp đoàn khảo sát.

Chú Thạch Sơn đang qua cầu gặp đoàn khảo sát.

Ông Trầm Trường Sơn – Chủ tịch UBND xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Ấp Bà Nhì là ấp vùng láng, có diện tích tự nhiên 342,2ha, toàn ấp có 399 hộ, tỷ lệ hộ nghèo - hộ cận nghèo còn cao, chiếm 36.09%, đồng bào dân tôc Khmer chiếm 43.12%, kinh tế chủ yếu của người dân là nuôi trồng thủy sản và sản xuất lúa, màu”.

Theo chia sẻ của người dân tại đây, chuyện các em nhỏ qua cầu bị rơi xuống con rạch là khá phổ biến, nhưng nhờ các em biết bơi, và có khi con nước cạn nên chưa có tình trạng đáng tiếc nào xảy ra. Tuy nhiên, vào những mùa nước nổi, nước dâng lên ngập khỏi thanh tre bắt ngang cầu nên mức độ nguy hiểm rất cao, từng có trường hợp bị dòng nước cuốn trôi rất ra, may được cứu kịp thời.

Xây dựng cầu là rất cần thiết

Ông Trường Sơn chia sẻ: “ Việc tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cầu là rất cần thiết nhằm đáp ứng cho phục vụ sản xuất kinh doanh và dân sinh trong vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống người dân trong vùng, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo”.

Nhà của người dân trong ấp.

Nhà của người dân trong ấp.

Theo ông Sơn,  nếu cây cầu xây dựng xong sẽ tạo điều kiện tốt cho việc đi lại và không còn cảnh qua cầu tạm trơn trượt trong mùa mưa nhất là những trẻ em được cấp sách đến trường một cách dễ dàng, các sản phẩm sau thu hoạch được vận chuyển, buôn bán thuận lợi hơn, không còn cảnh nông dân bị tư thương ép giá vì lợi dụng sự khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, góp phần không nhỏ trong hạn chế chi phí đầu vào và tăng giá trị sản phẩm trong đầu ra.

Khi nghe có đoàn chúng tôi đến khảo sát để xây cây cầu, bà con trong xóm vui mừng khôn xiết. Bác Thạch Sơn (73 tuổi) móm mém nói: “Tui già rồi, quen đi cầu khỉ, khó khăn hỏng có sao nhưng thương sắp nhỏ đi học khó khăn lắm. Con trai còn đỡ chớ đám con gái tội nghiệp lắm”.

Chị Tha Ly – người sống bên kia cây cầu chia sẻ: “Cứ trời mưa sắp nhỏ đi học là tui lo lắm, chỉ mong có cái cầu để sắp nhỏ đi học không gặp nguy hiểm.” 

“Nghe cây cầu được xây, ai ở đây cũng vui lắm, bà con tụi tui cũng sẽ góp sức. Mới tháng trước, con nhà Tâm có 6 tuổi lọt xuống cầu, may mà cứu kịp.” Dì Khương cho biết.  

Qua cầu không phải dễ.

Qua cầu không phải dễ.

Ông Trầm Qưới Trung – phó chủ tịch UBND xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh chia sẻ: “Cây cầu được xây là việc thúc đẩy làm đường giao thông bên kia cầu sẽ nhanh hơn, và đời sống của người dân sẽ được cải thiện. Với ngân sách xây dựng đó, thì phía xã sẽ huy động người dân đóng góp ngày công để đảm bảo xây cầu nông thông kiên cố cho xe tải nhỏ chạy được. Khi giao thông thuận tiện thì những thứ khác sẽ tốt hơn”.

Ông Trầm Qưới Trung – phó chủ tịch UBND xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (đứng thứ 2 từ phải qua).

Ông Trầm Qưới Trung – phó chủ tịch UBND xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (đứng thứ 2 từ phải qua).

Cầu Bà Nhì dự kiến xây dựng cầu bê tông cốt thép, có chiều dài 43m, ngang 2,7m. Thời gian thi công 120 ngày. Tổng kinh phí xây dựng : 200.000.000đ (hai trăm năm triệu đồng) và bà con nông thôn ở đây sẽ đóng góp ngày công, để cùng chung tay có cây cầu mới. Dự kiến khởi công cuối tháng 4 này.

Đây là chương trình hết sức ý nghĩa đối với BBT Báo Khoa học & Đời Sống nhân kỷ niệm 44 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), đặc biệt hơn nữa là khởi động chuỗi hoạt động “Chào mừng 60 năm ngày Báo Khoa Học & Đời Sống ra số báo đầu tiên 30/9/1959 – 30/9/2019”. 

Để cây cầu nông thôn tại ấp Bà Nhì sớm được hoàn thành đưa vào sử dụng rất mong nhận được sự chung tay, góp sức của quý mạnh thường quân cũng như quý công ty, đơn vị cùng đồng hành với Báo Khoa Học & Đời Sống. Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá” để người dân có thể tự thay đổi cuộc sống khi giao thông thuận lợi.

Thông tin tài trợ, xin liên hệ với báo Khoa Học &  Đời Sống, Tài khoản số: 1160 0000 1739, tại Ngân hàng TM CP Công Thương Việt Nam chi nhánh Hà Nội. ĐT: 024.6.2732.677 – 028.3.829.22.80.

Nhóm phóng viên