Khoảng 10h sáng ngày 9/9, đã xảy ra sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Thời điểm xảy ra sự cố, trên cầu vẫn đang có người và phương tiện lưu thông. Báo cáo cho biết vụ việc làm 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người rơi xuống sông và bị nước cuốn trôi.
Cùng với những thông tin về vụ việc, một trong những nội dung được nhiều người quan tâm, đó là thoát khỏi ô tô khi xe rơi xuống nước thế nào?
Rơi xuống nước: Quan trọng nhất là bình tĩnh, không hoảng loạn
Trao đổi với PV, kỹ sư Lê Văn Tạch cho hay, khi xe rơi xuống nước, áp lực của nước đẩy cánh cửa rất lớn. Nếu lúc này cố gắng mở cửa để thoát ra ngoài chắc chắn là không thể, ngoài ra, còn có thể khiến nước xâm nhập và khiến xe chìm nhanh hơn.
Cầu Phong Châu sập khiến 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người rơi xuống sông và bị nước cuốn trôi.
Điều đầu tiên là phải giữ bình tĩnh, hãy tháo dây an toàn. Khi xe ô tô rơi xuống nước, hệ thống điện trên xe ô tô chỉ hoạt động tối đa là 3 phút trước khi xe chìm xuống. Hãy mở cửa kính hoặc cửa giếng trời nếu có thể. Trong trường hợp không thể mở được cửa kính, thì hãy tìm một vật gì đó nặng, có thể dùng đập kính lái (khóa, kìm, gót chân, thậm chí giày, dép cao gót… Để phòng những tình huống như thế này, nên mua một chiếc búa chuyên dụng.
Khi phá cửa kính, thì nên phá cửa kính bên hoặc kính sau, bởi kính lái luôn an toàn nhất với nhiều lớp kết dính bằng keo chuyên dụng. Khi phá được kính, nhanh chóng thoát ra ngoài.
Trong trường hợp không thể phá vỡ cửa kính, đành phải đợi mức nước bên ngoài và trong xe gần bằng nhau, để áp suất cân bằng thì mở cửa xe. Để thực hiện việc này, cần phải dưỡng sức một chút, sau đó hít một hơi thật dài, đẩy mạnh cửa xe thoát ra ngoài.
“Thực ra, khi xe rơi xuống nước sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, không có một công thức cho tất cả. Nhưng nhìn chung là cần bình tĩnh và thực hiện các bước như trên”, kỹ sư Lê Văn Tạch nói.
Sau khi thoát ra khỏi xe: Cố gắng nổi người
Thầy giáo Lăng Văn Đàn, giáo viên dạy bơi của Trường THCS Lĩnh Nam (Hà Nội) cho hay, ngay sau khi thoát ra khỏi xe rơi xuống nước thì điều đầu tiên làm sao phải nổi lên. Nếu biết bơi thì có thể sử dụng động tác bơi để nổi người. Sau đó, có thể bám vào vật nào đó để người không chìm, đỡ mất sức. Nếu mặc quần áo thì phải cởi bớt quần áo ra, nếu để nguyên quần áo mà bơi thì quần áo sẽ ngấm nước, nhanh mất sức.
“Với người biết bơi thì hít một hơi thật sâu, lặn xuống, cởi bớt quần áo ra, sau đó nổi lên. Theo dõi vụ sập cầu Phong Châu, tôi thấy nước chảy xiết, đối với người biết bơi, không nên tìm cách bơi vào bờ mà nên bơi xuôi theo dòng nước, nhẹ nhàng trôi dần vào bờ, tiết kiệm sức để không bị đuối nước”, thầy Đàn nói.
Với người không biết bơi, theo thầy Đàn cách xử lý sẽ khó khăn hơn. Điều đầu tiên là giữ bình tĩnh, hít một hơi thật sâu, ngửa người ra sau, vẫy tay, đạp chân sao cho mặt ngửa lên, để mũi có thể thở được, kéo dài thời gian chờ người đến cứu.
Chiều 9/9, liên quan vụ sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), mạng xã hội lan truyền bài viết cho rằng một ô tô con trong vụ việc được tìm thấy cách hiện trường 10km và cả 4 người trên xe đều an toàn. Lãnh đạo địa phương khẳng định thông tin này là sai sự thật. Trong 13 nạn nhân của vụ sập cầu Phong Châu, mới chỉ có 3 người được cứu thành công.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, dự báo trong khoảng 3 ngày tới, miền Bắc sẽ đón mưa lớn. Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi, ngập úng kéo dài ở nơi trũng thấp tại các tỉnh/thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội, Hoà Bình, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên.