Bạc hà còn được gọi là bà hà, anh sinh, băng hầu úy, bạt đài, kê tô, đông đô…tên khoa học là Mentha Arvensis Lin, thuộc họ Hoa Môi (Lamiaceae). Đây là loại cây thảo sống lâu năm. Thân hình vuông, mềm màu xanh lục hoặc tím tía, cao từ 25 đến 50cm, thân đứng mang lá, nếu là thân ngầm mang rễ mọc bò lan.
Lá hình trứng hoặc bầu dục, mọc đối có cuống ngắn, mép lá hình khé răng đều. Hoa nhỏ màu trắng, tím hồng hoặc hồng, mọc thành những vòng nhiều hoa tụ tập ở kẽ lá. Tinh dầu là hoạt chất chủ yếu trong bạc hà có tỷ lệ trung bình từ 0,5-1% nhiều lúc lên đến 1,3-1,5%. Bạc hà có tác dụng kháng khuẩn, ức chế đau, tác dụng tới nhiệt độ cơ thể.
- Kháng khuẩn: Dùng nước sắc bạc hà có công dụng ức chế đối với virus Salmonella Typhoit và Echo.
- Ức chế đau: Nhờ khả năng bốc hơi nhanh của Menthol và tinh dầu bạc hà nên có thể tạo cảm giác tê và mát tại chỗ, phù hợp với chứng đau dây thần kinh.
- Tính sát khuẩn mạnh: Dùng cho trường hợp ngứa do một số bệnh về tai mũi họng hoặc bệnh ngoài da.
- Tác động tới nhiệt độ cơ thể: Menthol hoặc tinh dầu bạc hà dùng uống với lượng rất nhỏ có khả năng gây hưng phấn, làm nhiệt độ cơ thể xuống thấp và tăng bài tiết tuyến mồ hôi.
Từ bạc hà người ta chế ra nhiều bài thuốc trị bệnh. Để trị phong nhiệt, viêm họng người ta dùng bạc hà khô mang tán bột, trộn với mật ong viên thành viên ngậm vào buổi sáng. Khi bị lị ra máu chỉ cần sắc bạc hà uống là cầm. Khi bị mụn trứng cá, dùng lá bạc hà khi vò nát giúp làm sạch làn da. Lá bạc hà giúp da dịu, chữa trị nhiễm trùng da.
Dùng lá bạc hà trộn với mật ong bôi lên da có tác dụng se khít lỗ chân lông. Nếu bị mụn trứng cá và có vết sẹo dùng nước ép bạc hà, nước ép cà chua và đất sét đắp lên chỗ bị mụn vừa để loại mụn trứng cá, vừa để loại sẹo. Khi bị ong chích, giã bà hà đắp lên chỗ bị đốt. Mùa nắng hay chảy máu cam, mang bạc hà tươi vắt lấy nước cốt, nếu khô thì lấy nước chưng lên, dùng vải bông (bông) thấm nhét vào mũi. Để giảm hôi miệng, nhai trực tiếp lá bạc hà hoặc uống trà bạc hà giúp giảm hôi miệng, giúp hơi thở thơm tho.
Lương y Hoài Phương