Dinh dưỡng

9 thực phẩm sinh nhiệt giúp giữ ấm cơ thể trong mùa đông

  • Tác giả : Giang Thu (T/H)
Vào mùa đông, những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chất chống oxy hóa và có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp bạn ấm áp suốt cả mùa giá lạnh.

Trứng gà

Theo Times of India, cả trứng và thịt gà đều chứa một lượng lớn protein, canxi và sắt, khó tiêu hóa và do đó làm tăng nhiệt độ cơ thể bạn.

Trứng giúp sửa chữa các mô cơ thể và rất giàu chất béo lành mạnh. Người lớn thường có thể ăn tối đa hai quả trứng mỗi ngày. Trứng cũng là thực phẩm ăn kiêng, giàu protein vì nó giúp bạn cảm thấy no giữa các bữa ăn và cắt giảm lượng calo dư thừa.

Các loại thảo mộc và gia vị

Các loại thảo mộc và gia vị thông thường như tỏi, hạt tiêu đen, gừng cũng chịu trách nhiệm sinh nhiệt trong cơ thể. Những loại gia vị này chứa một hợp chất làm tăng nhiệt độ cơ thể bạn khi chúng được tiêu hóa.

Bên cạnh đó cần lưu ý uống đủ nước. Một cách đơn giản để giúp cơ thể được giữ ấm trong mùa đông này là uống nước. Nước giữ cho cơ thể của bạn hoạt động tốt nhất và giúp điều chỉnh nhiệt độ bên trong của bạn. Mất nước làm cho nhiệt độ lõi của bạn giảm xuống, có thể dẫn đến hạ thân nhiệt.

Mọi người thường ít uống nước hơn khi trời lạnh vì họ không cảm thấy khát. Bạn có thể mang theo một chai nước để nhắc nhở.

Mật ong

Mật ong được sử dụng rộng rãi trong việc chống cảm lạnh, ho và cảm cúm. Mật ong được biết đến là có nhiều lợi ích cho sức khỏe như trị các vấn đề về tiêu hóa, tăng cường khả năng miễn dịch, tốt cho da,... Mật ong cũng giữ ấm cho cơ thể trong những tháng mùa đông và mang lại cho bạn sự ấm áp cần thiết.

Đường thốt nốt

Cơ thể cần đường để sản sinh năng lượng. Đường thốt nốt giúp cải thiện tiêu hóa và cũng giữ ấm cho bạn trong mùa đông lạnh giá. Đường thốt nốt cũng có nhiều lợi ích sức khỏe như giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt, tốt cho hệ tiêu hóa, chữa táo bón, tăng cường trao đổi chất, ngừa bệnh thiếu máu. Đường thốt nốt dùng thay thế đường kính trong nấu ăn, thay thế các chất tạo ngọt khác trong pha nước uống hoặc nhâm nhi với một lượng nhỏ sau khi ăn.

Các loại thực phẩm làm từ đậu

Đây là những món ngon mùa đông giàu protein, chất xơ và khoáng chất. Những thực phẩm giàu chất xơ và khoáng chất giúp ngăn ngừa các bệnh tim mạch như tăng huyết áp và đau tim thường xảy ra nhiều hơn trong mùa đông. Protein mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa, do đó làm tăng sinh nhiệt.

Các loại đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành… giàu tinh bột kháng, chống lại quá trình tiêu hóa và được lên men bởi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Tinh bột kháng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm nồng độ triglycerid, cholesterol trong máu, giảm huyết áp, giảm viêm.

Hạt vừng

Hạt vừng có tác dụng giữ ấm cơ thể rất tốt trong mùa đông. Nhờ tính chất dinh dưỡng đậm đặc và hàm lượng chất béo omega-3 cao sẽ giúp tăng mức năng lượng của cơ thể trong mùa đông. Những hạt nhỏ này chứa đầy canxi và sắt sẽ giúp cơ thể bạn luôn tràn đầy năng lượng. Vừng có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như cải thiện sức khỏe làn da, thúc đẩy sự phát triển của tóc, tăng cường sức khỏe của xương và cũng có tác dụng tuyệt vời đối với các rối loạn hô hấp.

Các loại rau củ

Một vài loại rau củ như cải xoăn, cà rốt, cải bắp, củ cải, súp lơ… đều đúng vụ vào mùa đông nên chúng cực giàu dưỡng chất. Chúng sở hữu nhiều chất chống oxy hóa cũng như khoáng chất giúp giữ ấm cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, chống viêm và nâng cao sức đề kháng để chống lại các bệnh cảm lạnh.

Khoai lang

Khoai lang và các loại rau củ cần nhiều thời gian để tiêu hoá, do đó sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể của bạn.

Đặc biệt, khoai lang chứa một lượng lớn vitamin A, vitamin C và mangan - đây là những chất có đặc tính chống ung thư và có thể thúc đẩy chức năng miễn dịch, sức khỏe đường ruột, chức năng não và sức khỏe của mắt.

Khoai lang có thể được chế biến với nhiều cách như luộc, nướng, nấu canh, làm bánh,…

Thịt đỏ

Thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn, là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào. Sắt là một khoáng chất quan trọng giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Những người có lượng sắt thấp có thể nhận thấy bàn tay và bàn chân lạnh hoặc dễ cảm thấy mệt mỏi.

Ăn thịt đỏ cũng có thể cung cấp vitamin B12, góp phần giúp các dây thần kinh khỏe mạnh và hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.

Một số biện pháp khác giúp giữ ấm cho cơ thể

Ngoài việc bổ sung những thực phẩm có tác dụng làm tăng nhiệt cơ thể, các bạn có thể áp dụng một số biện pháp khác để giúp cơ thể cảm thấy ấm áp và thoải mái hơn khi nhiệt độ xuống thấp:

Giữ ấm không gian sống

Khi nhiệt độ xuống thấp, các bạn nên đóng kín cửa, dùng máy sưởi (nếu có). Điều này sẽ ngăn được luồng gió lùa vào nhà, giúp giữ ấm một phần cho cơ thể.

Tăng cường vận động thể chất

Những bài tập thể chất vừa giúp cơ thể tăng nhiệt độ, cảm thấy ấm hơn lại giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ quá thấp, các bạn không nên tập luyện ngoài trời vì có thể tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ.

Cách tốt nhất, mọi người nên tập các bài tập trong nhà như yoga, aerobic, nhảy dây,… trong nhà. Tuy nhiên, chúng ta không thể tập thể dục cả ngày, nên ngoài việc thể dục vào buổi sáng hoặc chiều tối, mọi người nên chăm chỉ vận động, làm việc nhà hơn.

Ngâm chân bằng nước ấm

Khi thời tiết quá lạnh sẽ khiến các mạch máu dưới da co lại, máu lưu thông chậm, đặc biệt ở vùng chân. Do đó, ngâm chân bằng nước ấm vào mùa đông sẽ giúp cơ thể thoải mái, ấm áp hơn.

Nếu có thời gian, các bạn có thể nấu nước lá chanh, bạch đàn, bạc hà, chút tinh dầu,… vào nước ngâm chân để đạt hiệu quả cao hơn.

Mặc đủ quần áo

Để giúp cơ thể không bị lạnh, các bạn nên mặc nhiều lớp quần áo, ở giữa các lớp áo sẽ là lớp khí, giúp cách nhiệt và giữ nhiệt độ tốt cho cơ thể. Bên cạnh đó, các lớp quần áo ma sát với nhau sẽ sinh ra nhiệt, giúp cơ thể cảm thấy ấm hơn.

Tuy nhiên, nên chọn lựa trang phục làm từ chất liệu co giãn tạo sự thoải mái cho cơ thể.

Nhìn chung, để giúp cơ thể ấm áp và khỏe mạnh vào mùa đông, mọi người nên ăn mặc đủ ấm, tăng cường vận động, bổ sung đủ chất cho cơ thể. Đặc biệt, để phòng tránh các bệnh mùa đông, việc tăng cường sức đề kháng từ dinh dưỡng là không thể thiếu.

Giang Thu (T/H)