Trên phương diện dinh dưỡng, BS Phan Thị Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ho sẽ khiến trẻ biếng ăn, dễ suy dinh dưỡng. Khi suy dinh dưỡng, sức đề kháng suy giảm, ho lại càng nặng lên. Vào những ngày trời lạnh, khẩu phần ăn cho trẻ phải đảm bảo năng lượng, cung cấp đủ tinh bột, đạm, chất béo, chế biến thức ăn mềm lỏng. Thức ăn phải lỏng vừa vì loãng quá làm thấp năng lượng, trẻ lại dễ bị suy dinh dưỡng. Khi trẻ ốm, nên cho trẻ ăn các loại đạm quý như thịt bò, thịt gà, trứng, sữa.
Theo quan điểm Đông y, khi ho người ta thường kiêng thịt gà nhưng xét về cơ sở khoa học thì thịt gà không gây ho, ngược lại trong nước dùng gà còn có thành phần axit amin cấu trúc khoa học giống kháng sinh, giúp giảm viêm, chống vi khuẩn. Bên cạnh thực phẩm giàu đạm, mẹ cần lưu ý các thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng như chất béo có lợi cho sức khỏe, dầu ôliu, dầu đậu nành, bơ lạc, bơ đậu phộng. Mật ong giúp tăng sức đề kháng, sát khuẩn, rất tốt. Phô mai, sữa rất tốt cho trẻ. Cũng để đảm bảo chất dinh dưỡng nên ăn tăng rau và trái cây tươi, trái cây màu vàng đỏ, rau màu xanh sẫm giàu vitamin C giúp tăng sức đề kháng.
Theo các chuyên gia, khi bị ho, có thể kiêng cho trẻ các món ăn liên quan đến cá, tôm, cua vì thực phẩm có mùi tanh dễ gây kích ứng sinh ra ho. Những người bị viêm họng cấp không nên ăn đồ cay nóng do niêm mạc đã bị tổn thương, nếu ăn đồ cay nóng vào sẽ khiến cho bệnh trở nên trầm trọng hơn và kích thích cổ họng gây triệu chứng ho. Nên tránh ăn đồ lạnh, đồ chưa hâm nóng vì lúc này tì vị của bệnh nhân kém, dễ gây ho và ho càng lâu khỏi. Nên hạn chế ăn món chiên, nướng, rán, xào vì khi chế biến xong không ăn ngay, thực phẩm trở nên cứng gây ma sát với niêm mạc cổ họng, hơn nữa đồ chiên xào khó tiêu, ăn nhiều cũng không tốt cho sức khỏe.
Để giúp cổ họng thông thoáng, nên cho trẻ uống nhiều nước (nước ấm) để làm giảm dịch nhầy, giảm dịch tiết phế quản. Nước cam ấm là thức uống rất tốt vì ngoài cung cấp nước cho cơ thể còn bổ sung khá nhiều vitamin C tăng sức đề kháng.