Dữ liệu y khoa

30% tử vong do ngộ độc rượu methanol

  • Tác giả : An Quý
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, không chỉ Việt Nam, nhiều quốc gia đã báo cáo ngộ độc rượu methanol. Tỷ lệ tử vong đôi khi đã vượt qua 30%.

Ngộ độc rượu methanol gây tổn thương và hoại tử não giống như đột quỵ nặng nề, teo dây thần kinh thị giác gây mù lòa vĩnh viễn, tổn thương nhiều cơ quan nội tạng.

Methanol, hóa chất phổ biến làm dung môi và nhiên liệu

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, methanol là một hóa chất phổ biến rộng rãi, được sử dụng làm dung môi như trong sơn, chất tẩy sơn và dung môi trong công nghiệp và làm nhiên liệu cho bếp dã ngoại và hàn hơi.

ngo-doc-ruou-methanol.jpg
Ngộ độc rượu methanol gây tổn thương và hoại tử não giống như đột quỵ nặng nề, teo dây thần kinh thị giác gây mù lòa vĩnh viễn, tổn thương nhiều cơ quan nội tạng.

Một lượng nhỏ methanol được tìm thấy tự nhiên trong nước ép trái cây - chất này không độc. Methanol cũng là một sản phẩm của quá trình lên men và được tìm thấy trong cả đồ uống lên men có cồn và không cồn.

Theo WHO, nồng độ methanol trong bia thường là 6 -27mg/l  và 10 - 220mg/l trong rượu mạnh. Ở những nồng độ này, methanol không có hại.

WHO cảnh báo, các tác hại sức khỏe xảy ra khi nồng độ methanol cao hơn cho phép và được hình thành trong quá trình chưng cất không đúng cách hoặc khi thêm methanol công nghiệp vào đồ uống bất hợp pháp.

Methanol tinh khiết có mùi thoang thoảng ngọt ở nhiệt độ môi trường xung quanh; methanol thô có thể có mùi hăng, khó chịu.

Bệnh nhân ngộ độc methanol thường nhập viện trễ

Methanol trở nên độc hại khi chuyển hóa thành formaldehyde và axit formic trong cơ thể. Khi những chất này bắt đầu tích tụ trong máu, người uống rượu chứa methanol có thể buồn ngủ và đi đứng không vững vàng.

Người bệnh có thể cho rằng đó chỉ là tác dụng của rượu chứ không phải do tác hại của methanol.

Sau đó, nôn mửa, đau đầu, đau bụng và các vấn đề về thị lực có thể xảy ra, kèm theo co giật, hôn mê và tử vong. Điều trị nhằm ngăn chặn sự chuyển hóa của methanol trong cơ thể, nhưng một số nạn nhân đã tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan y tế quá muộn.

mot-ca-ngo-doc-dang-dieu-tri-tai-bv-ntp.jpg
Trong 12g đầu, bệnh nhân ngộ độc methanol trong rượu thường có triệu chứng ói mửa, nhức đầu dễ nhầm với triệu chứng say rượu, sau đó bắt đầu lơ mơ dần rồi hôn mê

“Chúng tôi thường tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc methanol trong rượu vào giờ thứ 24 - 48 sau khi uống. Trong 12 giờ đầu, bệnh nhân thường có triệu chứng ói mửa, nhức đầu dễ nhầm với triệu chứng say rượu, sau đó bắt đầu lơ mơ dần rồi hôn mê” BSCKII Đặng Ngọc Kim Thanh, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cảnh báo.

Từ cuối tháng 9/2021 và đầu tháng 10/2021, TPHCM và Đồng Nai đã ghi nhận khoảng 40 ca ngộ độc vì methanol trong rượu, trong đó hơn 10 ca đã tử vong hoặc tiên lượng xấu được người nhà xin về lo hậu sự.

Một số bệnh nhân khác vẫn hôn mê sâu hay nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Các cơ quan chức năng trên hai địa bàn này đang truy tìm nguồn gốc các loại rượu này.

Phân biệt rượu chứa methanol bằng cách nào? 

Trước đó, tháng 11/2020, Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo với Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) về việc tiếp nhận 7 bệnh nhân trong 2 vụ ngộ độc methanol sau khi uống rượu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Trong đó, 1 bệnh nhân tử vong, 1 bệnh nhân suy giảm thị lực nặng và di chứng thần kinh. Các bệnh nhân này đã cùng uống một loại rượu có nhãn hiệu “Rượu nếp”.

Sau khi tiếp nhận thông tin từ Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Công Thương đã giao Tổng cục Quản lý Thị trường chỉ đạo Cục Quản lý Thị trường các tỉnh/thành phố nếu phát hiện ra sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm nêu trên đang lưu thông trên thị trường kịp thời thu hồi, xử lý theo quy định.

can-ruou-nep.jpg
Thông tin sản phẩm gây ngộ độc methanol bị cảnh báo cụ thể như sau tên sản phẩm: Rượu nếp, Hầm Rượu Việt. (Ảnh: Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế)

Thông tin sản phẩm bị cảnh báo cụ thể như sau tên sản phẩm: Rượu nếp, Hầm Rượu Việt; được đóng trong can 30 lít, ≤ 29,9 % Vol; số công bố hợp quy: 20/2018/YTHY-XNCB do cơ sở sản xuất rượu Đất Lúa (địa chỉ: Trương Xá, Toàn Thắng, Kim Động, Hưng Yên, điện thoại: 0979441232).

Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, hướng dẫn phân biệt rượu có methanol như sau: Đối với cảm quan bên ngoài, chai rượu phải có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu... Ngoài ra có thể ngửi nếu mùi cồn thơm, cay nồng là tốt.

Đổ một ít rượu ra lòng bàn tay rồi xoa hai bàn tay với nhau, nếu thấy dính là rượu không tốt, còn nếu bay hơi hết là rượu tốt.

Rượu có chứa methanol thường có vị hơi ngọt.

An Quý