Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng dịch tễ có tỷ lệ mắc viêm gan virus cao, mức độ tiêu thụ rượu bia gia tăng cùng với tình trạng thực phẩm “bẩn” báo động như hiện nay, uớc tính trung bình mỗi năm cả nước có trên 10.000 ca ung thư gan mới phát hiện, tỷ lệ này cao nhất thế giới. Việt Nam cũng là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á - một thói quen lớn nhất trực tiếp gây tổn thương trầm trọng cho gan.
Viêm gan là tình trạng tổn thương nhu mô gan, đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào viêm, do nhiều nguyên nhân gây nên. Viêm gan cấp được đặc trưng bởi sự phá huỷ tế bào gan và sự hiện diện tế bào viêm trong mô gan kéo dài dưới 6 tháng. Phần lớn người bị viêm gan cấp tính thường tự phục hồi. Viêm gan mạn tính là bệnh gan có tổn thương hoại tử và viêm diễn ra trong thời gian trên 6 tháng. Viêm gan mạn tính thường là hậu quả của viêm gan cấp tính.
Có ba nhóm nguyên nhân chính gây viêm gan là viêm gan do nhiễm khuẩn, viêm gan do nhiễm độc và viêm gan tự miễn.
Viêm gan do nhiễm khuẩn: Virus, vi khuẩn, ký sinh trùng.
+ Viêm gan do nhiễm virus: Hiện có 6 loại virus viêm gan được phát hiện (A, B, C, D, E, G). Ngoài ra, các virus CMV, EBV, Rubella cũng có thể gây viêm gan.
Hai loại virus viêm gan A và viêm gan E lây truyền qua đường tiêu hóa, các loại virus viêm gan còn lại lây truyền qua đường máu. Viêm gan D chỉ xảy ra khi đã nhiễm viêm gan B và sẽ làm cho tình trạng bệnh viêm gan B trầm trọng hơn.
Tất cả các virus này đều gây nên bệnh viêm gan cấp tính. Ngoài ra, siêu vi viêm gan B, C, D, G còn diễn tiến thành viêm gan mạn tính và đưa đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xơ gan, suy gan và ung thư gan. Hiện nay, mới chỉ có vacxin ngừa virus viêm gan A và viêm gan B.
+ Viêm gan do nhiễm vi khuẩn: Leptospira, thương hàn.
+ Viêm gan do nhiễm ký sinh trùng: Ký sinh trùng sốt rét, amip, sán lá gan…
Trong chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét, Plasmodium falciparum từng có thời gian sống ký sinh tại gan làm cho gan bị ảnh hưởng. Trong bệnh cảnh này, gan thường sưng to. Các vai trò quan trọng của gan như chống độc, dự trữ... đều bị thương tổn. Nếu được điều trị tốt, sau từ 2 - 3 tuần gan có thể khôi phục trở lại bình thường. Nhưng nếu việc điều trị không đạt hiệu quả, bệnh nhân có thể bị viêm gan, nặng hơn nữa là xơ gan.
Ngoài ra, việc mắc một số loại amip cũng có thể gây viêm gan amip. Ở giai đoạn viêm gan, bệnh nhân thường sốt cao, có thể kèm rét run 39 - 40 độ C, có thể kèm buồn nôn hoặc nôn, đau nhiều hạ sườn phải. Đau gia tăng khi thở sâu, ho, khám thấy gan to.
Viêm gan do chất độc: Rượu, thuốc (acetaminophen, thuốc kháng lao, thuốc gây mê), các chất độc trong môi trường.
Viêm gan do rượu, bia là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan với các triệu chứng như chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Viêm gan do rượu, bia là tình trạng tiến triển của bệnh gan nhiễm mỡ do rượu, bia và có thể diễn biến thành xơ gan.
Viêm gan do thuốc khá phổ biến do thói quen lạm dụng thuốc dẫn đến quá liều, tự ý kéo dài lộ trình điều trị.
Viêm gan tự miễn: Là tình trạng viêm ở gan xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công gan. Mặc dù nguyên nhân của bệnh viêm gan tự miễn chưa được biết rõ ràng, nhưng người ta nhận thấy rằng một số bệnh, chất độc và các loại thuốc có thể gây ra viêm gan tự miễn ở những người nhạy cảm, đặc biệt là phụ nữ. Nếu không điều trị viêm gan tự miễn có thể dẫn đến xơ gan. Tuy nhiên, viêm gan tự miễn là bệnh rất hiếm gặp, tỷ lệ lưu hành bệnh khoảng 1,9/100.000.
PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (Bệnh viện Quân y 103)