Y học và đời sống

Hướng dẫn mới về quản lý, điều trị bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có thai

  • Tác giả : TS.BS Nguyễn Quang Bảy
Tại Hội nghị của Hội tuyến giáp Mỹ (ATA) ngày 3/11/2024, dự thảo quản lý bệnh tuyến giáp ở phụ nữ có thai được trình bày xin ý kiến, và dự kiến sẽ được ban hành vào đầu năm 2025.

So với Hướng dẫn năm 2017, Hướng dẫn năm 2025 sẽ có một số điểm mới sau:

Điều trị bệnh tuyến giáp trước khi có thai

Trước khi thụ thai, những bệnh nhân có kháng thể Anti-TPO bình thường, vốn được coi là dấu hiệu của rối loạn chức năng tuyến giáp, không nên điều trị thường quy bằng levothyroxine.

Bằng chứng mới từ các thử nghiệm ngẫu nhiên trên nhóm Trước khi thụ thai, những bệnh nhân có nguy cơ cao nhưng vẫn bình giáp không cho thấy lợi ích rõ ràng từ việc điều trị.

Tuy nhiên, do những người có Anti-TPO (+) có thể dẫn đến suy giáp trong vòng 1 - 2 năm, nên những bệnh nhân có Anti-TPO (+) nên xét nghiệm nồng độ TSH mỗi 3-6 tháng cho đến khi mang thai. Các khuyến nghị về xét nghiệm trong thời kỳ mang thai ở những bệnh nhân này vẫn được giữ nguyên.

Những trường hợp có suy giáp dưới lâm sàng trước khi thụ thai, hướng dẫn mới nhấn mạnh khuyến nghị hiện có “luôn cố gắng đánh giá lại” chức năng tuyến giáp, và nếu tình trạng suy giáp dưới lâm sàng vẫn tồn tại thì nên điều trị bằng levothyroxin liều thấp.

Điều trị bệnh tuyến giáp trong khi mang thai

Trong thời kỳ mang thai, khuyến cáo mới cho rằng 3 yếu tố gồm tuổi > 30, đã mang thai ≥ 2 lần, và có béo phì (BMI ≥ 40), không được coi là những yếu tố nguy cơ gây rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ nữa.

Những yếu tố được coi là nguy cơ, nếu có cần được xét nghiệm chức năng tuyến giáp, gồm tiền sử cường/suy giáp rõ hoặc dưới lâm sàng, viêm tuyến giáp sau sinh, kháng thể tuyến giáp (+), có triệu chứng rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc bướu cổ và các yếu tố khác.

Điều trị suy giáp dưới lâm sàng khi mang thai

Nếu như Hướng dẫn 2017 khuyến nghị xem xét kháng thể Anti-TPO (+) hay (-) để quyết định điều trị suy giáp dưới lâm sàng, thì hướng dẫn mới đề xuất khuyến nghị điều trị dựa trên thời điểm chẩn đoán suy giáp dưới lâm sàng: xem xét điều trị trong ba tháng đầu, nhưng không điều trị trong 3 tháng giữa và cuối, dựa trên bằng chứng mới về nguy cơ bị các biến chứng thai kỳ và dữ liệu từ các thử nghiệm ngẫu nhiên.

Cụ thể là “do nguy cơ thấp, chúng tôi không khuyến nghị điều trị levothyroxin thường quy các sản phụ có TSH < 10 mU/L trong 3 tháng giữa và cuối như hiện này”. Còn nếu phát hiện suy giáp dưới lâm sàng trong ba tháng đầu thai kỳ thì nên cân nhắc điều trị bằng levothyroxine”.

Thăm khám cho bệnh nhân tuyến giáp mang thai - Ảnh minh họa

Thăm khám cho bệnh nhân tuyến giáp mang thai - Ảnh minh họa

Bình thường hóa tự nhiên chức năng tuyến giáp trong thai kỳ

Một khuyến nghị mới khác đề cập đến vấn đề bình thường hóa tự phát chức năng tuyến giáp bất thường trong thai kỳ, với một số nghiên cứu lớn cho thấy một tỷ lệ lớn các trường hợp suy giáp dưới lâm sàng sẽ tự nhiên trở lại bình thường vào 3 tháng cuối - mặc dù không được điều trị gì. Các trường hợp suy giáp dưới lâm sàng nên được kiểm tra lại trong vòng 3 tuần.

Khi phát hiện suy giáp dưới lâm sàng trong ba tháng đầu, có 2 lựa chọn mà các bác sĩ lâm sàng có thể thảo luận với bệnh nhân: (1) làm lại các xét nghiệm để khẳng định sau 3 tuần hoặc (2) thảo luận về việc bắt đầu dùng levothyroxin liều thấp.

Tương tự, những trường hợp được phát hiện có suy giáp rõ trong thai kỳ, nếu TSH < dưới 6 mU/L thì “có thể cân nhắc thực hiện xét nghiệm khẳng định trong vòng 3 tuần hoặc thảo luận với bệnh nhân về việc bắt đầu điều trị bằng levothyroxine,”

Bệnh cường giáp rõ

Đối với bệnh cường giáp rõ ràng, không có thay đổi đáng kể nào so với các hướng dẫn hiện hành được đề xuất, ngoại trừ việc nhấn mạnh vào nhu cầu ra quyết định chung với bệnh nhân.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh việc ra quyết định chung, đặc biệt đối với những phụ nữ mắc Basedow trước khi mang thai, vì các thuốc điều trị, chủ yếu là methimazole (MMI) và propylthiouracil (PTU), có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau khi có thai”.

“Nếu bạn giúp bệnh nhân tham gia vào quá trình ra quyết định, điều đó có thể rất hữu ích trong việc kiểm soát bệnh và theo dõi quá trình mang thai”.

Theo khuyến nghị, PTU vẫn là loại thuốc được ưa thích do nguy cơ gây dị tật bẩm sinh thấp hơn so với MMI, khoảng 3% so với 5%.

Lưu ý rằng, nếu ngừng điều trị sớm trong thai kỳ, khả năng tái phát sẽ không xảy ra cho đến sau khoảng 3 tháng hoặc 12 tuần, có nghĩa là đã qua giai đoạn có nguy cơ cao gây quái thai (tuần 5-15).

Các hướng dẫn về việc có nên ngừng điều trị ở bệnh nhân cường giáp có nguy cơ cao hơn được giữ nguyên.

U tuyến giáp và ung thư tuyến giáp

Các khuyến nghị liên quan đến các u tuyến giáp và ung thư tuyến giáp trong khi mang thai được cho là sẽ vẫn tương tự như các khuyến nghị trong hướng dẫn năm 2017, ngoại trừ việc nhấn mạnh vào việc xem xét đơn giản cách quản lý bệnh nhân.

Ví dụ, liên quan đến câu hỏi liệu có thể tạm dừng điều trị trong 9 tháng khi mang thai hay không. “Rất nhiều lần, câu trả lời là có,”

Các chủ đề khác hầu như không thay đổi bao gồm các vấn đề về sàng lọc đại trà, định nghĩa về TSH bình thường và bất thường cũng như phạm vi tham chiếu của FT4 và tình trạng giảm FT4 đơn thuần.

TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết – đái tháo đường, bệnh viện Bạch Mai)

TS.BS Nguyễn Quang Bảy