Trao đổi với KH&ĐS vào ngày đầu tháng 10, GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng, nhà nghiên cứu sinh học hàng đầu Việt Nam đã có những chia sẻ thú vị xung quanh câu chuyện cả nước dần trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Với tư duy “Zero Covid”, chúng ta từng kiểm soát chặt bằng giấy đi đường, lập chốt kiểm soát, phong tỏa... gây nhiều bức xúc. Theo Giáo sư, “Together Covid” có phù hợp trong bối cảnh hiện nay?
Tình hình dịch hiện nay đã thay đổi nên chiến lược chống dịch cũng cần thay đổi. Trên phạm vi cả nước, về cơ bản tình hình dịch đang được kiểm soát và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong 2 tuần gần đây, số ca tử vong và mắc trong cộng đồng liên tiếp giảm. Nhiều tỉnh chuyển trạng thái theo các tiêu chí kiểm soát dịch của Bộ Y tế. TPHCM bắt đầu nới lỏng tình trạng giãn cách xã hội. Các nhà khoa học trên thế giới cũng khẳng định Covid-19 sẽ còn tiếp tục tồn tại giống như virus cúm, vì vậy, không thể có tình trạng "Zero Covid" mà phải chuyển sang tình trạng sống chung với Covid hay "Together Covid". Chiến lược chống dịch cũng phải thay đổi sang tư duy "Together Covid". Chúng ta cần phải bắt đầu sống chung với dịch, dần coi dịch là bình thường.
Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm gì từ các nước trên thế giới khi sống chung với Covid-19?
Là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm văcxin ngừa Covid-19 cao nhất thế giới với 82% người trưởng thành đã được tiêm văcxin đầy đủ, Singapore đã quyết định từ bỏ giấc mơ “Không Covid-19” mà thay vào đó sẽ học cách "sống chung với virus". Quốc gia 5,7 triệu dân mới chỉ ghi nhận 65 ca tử vong, dù số ca mắc Covid-19 là 79.899 ca. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mới đây nhận định không còn khả năng đưa số ca nhiễm về 0 nữa ngay cả khi phong tỏa một thời gian dài, vì vậy, phải chuẩn bị cho viễn cảnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu như cúm, hay thủy đậu. Singapore từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế để hướng đến sống chung với Covid-19.
Xác định sống chung với đại dịch, Indonesia hiện xem xét việc mở cửa đón du khách nước ngoài đến đảo Bali và một số điểm du lịch khác từ tháng 10/2021. Ban đầu, Indonesia sẽ ưu tiên tiếp nhận du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và New Zealand trong bối cảnh mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại các quốc gia này thấp. Dự kiến, đến khi đạt mục tiêu tiêm mũi đầu tiên văcxin ngừa Covid-19 cho 70% người dân, nước này sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài. Rất nhiều kinh nghiệm của các nước trên thế giới và khu vực đang đưa ra cho chúng ta những bài học tham khảo hữu ích.
Thích ứng lâu dài với Covid-19, Việt Nam cần có chiến lược phòng vệ và lộ trình mở cửa tính toán rất kỹ. Giáo sư đánh giá như thế nào về vai trò của hệ thống quản trị quốc gia?
Tại Hội nghị chiều 29/9 về sự phối hợp giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chúng ta phòng chống dịch trong điều kiện hết sức hạn chế. Về năng lực y tế, tất cả các vật tư y tế chúng ta đều phải nhập khẩu, “oxy sản xuất được nhưng bình oxy phải đi nhập”. Trong điều kiện đặc biệt do dịch bệnh, chúng ta hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng như tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, kết thúc năm học cho các em học sinh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, sự hợp tác của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chúng ta đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch Covid-19. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh được kiểm soát và có chuyển biến tích cực.
Về tình hình hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh: chuyển trạng thái từ “không có Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa phòng, chống dịch thành công, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, mọi chính sách đều phải hướng tới nhân dân, nhân dân phải tham gia xây dựng và thực hiện các chính sách. “Bất cứ chiến thắng nào cũng là chiến thắng của nhân dân, bất cứ cuộc chiến đấu nào không có nhân dân thì không thể chiến thắng”.
Các địa phương, người dân, nhất là học sinh chưa tiêm văcxin, sẽ sống chung an toàn với Covid-19 như nào?
Cũng tại Hội nghị nói trên, Thủ tướng đã nhắc lại phương châm: “5K + văcxin + thuốc + công nghệ + ý thức người dân”. Đó cũng là yêu cầu mà các địa phương, người dân, nhất là học sinh chưa tiêm văcxin cần chuẩn bị những gì để sống chung an toàn với Covid-19.
Trong tình trạng hiện nay, xác định sống chung với Covid-19, các địa phương phải luôn sẵn sàng cơ sở điều trị để người bệnh được can thiệp y tế khi cần thiết. Phải có hệ thống y tế cơ sở tiếp cận dân, đủ oxy… để người mắc Covid-19 không bị chuyển nặng, không gây "sụp đổ" hệ thống y tế.
Vậy để sống chung với Covid-19, điều kiện cần là gì thưa Giáo sư?
Muốn sống chung, ta phải kiểm soát được dịch. Số ca mắc cao quá, bệnh viện quá tải và số tử vong tăng thì dĩ nhiên không thể “bình thường mới” được.
Về lâu dài, để sống chung an toàn với Covid-19, bắt buộc phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bao phủ tối thiểu 70% dân số để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng. Khi đạt được miễn dịch cộng đồng thì về lâu dài, có thể sống chung như bệnh cúm mùa thông thường.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!