KINH TẾ

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc: Muốn bền vững phải chính ngạch

  • Tác giả : Tuyết Vân
(khoahocdoisong.vn) - Xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tuy đạt kim ngạch lớn nhưng chưa bền vững và chứa đựng nhiều rủi ro. Chính phủ 2 nước đã thống nhất quản lý xuất nhập khẩu theo hướng chuyển dần từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Nông sản Việt, do vậy, phải tự thích ứng với những điều kiện của phía Trung Quốc.

Tăng cường "hàng rào"

Hiện nay, Trung Quốc đã áp dụng nhiều quy định khắt khe với nông sản nhập khẩu. Từ 1/5/2019, Trung Quốc yêu cầu áp dụng quy định mới về gắn tem mác, vật lót, bao bì đối với dưa hấu, chuối, mít. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước đây, các DN Việt hay sử dụng đệm lót bằng rơm, nhưng nay phía Trung Quốc yêu cầu thay đổi vật liệu đệm lót để không có khả năng mang theo các dịch bệnh gây hại. Và họ khuyến cáo sử dụng xốp lưới bằng nilon để có thể phòng tránh các loại dịch bệnh đối với các trái cây khác. Phía Trung Quốc cũng khuyến cáo sử dụng giấy dai kraft để bọc và sử dụng bao bì, thùng bằng cacton, trên đó ghi thông tin truy xuất nguồn gốc với mít, chuối.

Ngoài ra, tất cả các loại trái cây phải đăng ký mẫu tem truy xuất nguồn gốc tại cơ quan hải quan của Trung Quốc và dán tem nhãn này lên trên các sản phẩm hoặc bao bì. Thông tin trên tem nhãn phải gồm các thông tin về vườn trồng, cơ sở đóng gói… thuộc danh sách do Bộ NN&PTNT thông báo chính thức với cơ quan hải quan Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, quy định này không quá cao, nhưng đủ sức gây khó cho hàng Việt Nam vốn có tập quán “dễ dãi”, thích xuất khẩu đường tiểu ngạch. Và cũng là nguyên nhân khiến nhiều loại nông sản Việt rớt giá. Gần đây Trung Quốc ngừng thu mua dứa, giá dứa tại Lào Cai đang từ 8.000 - 9.000đ/kg rớt xuống còn 1.800đ/kg. Lào Cai, Thanh Hóa là những nơi trồng nhiều dứa, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khu vực phía Nam, sầu riêng cũng rớt giá liên tiếp. Sầu riêng Đồng Nai có thời điểm rớt giá chỉ 10.000đ/kg. Lý do bởi dứa và sầu riêng đều nằm ngoài danh sách các loại trái cây được Nhà nước Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch.

Theo đại diện Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, hiện nhóm hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có nhiều thuận lợi, nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) với mức thuế cơ bản 0%. Trung Quốc cũng đang khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt là có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh. Tuy nhiên, sản phẩm nông, thủy sản xuất sang thị trường này chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN. Một số sản phẩm như gạo chịu sự quản lý về hạn ngạch nhập khẩu do Bộ Thương mại và Ủy ban Phát triển Cải cách quốc gia Trung Quốc quy định.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, bản chất thực sự của con đường xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đều do các thương lái sang tận nơi để tìm nguồn hàng. Các doanh nghiệp Việt (DN) chưa hiểu rõ về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, thiếu thông tin và chưa chủ động khai thác thị trường này. Xuất khẩu tiểu ngạch thì sự ràng buộc pháp lý giữa bên mua và bên bán rất lỏng lẻo, chứa đựng nhiều rủi ro, nhất là khi có kiện tụng nên DN Việt Nam sẽ chịu rủi ro, thiệt thòi. Do vậy, muốn lâu bền, các DN cần đi theo chính ngạch.

Trung Quốc là thị trường trọng điểm

TS Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc khuyến cáo, các DN Việt Nam khi giao dịch, kinh doanh tại thị trường Trung Quốc cần thông qua hệ thống các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc và Việt Nam để tìm kiếm các đối tác phù hợp, có uy tín. Cần xác minh năng lực của các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các đối tác được tìm kiếm qua hình thức internet. Đặc biệt, mọi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc phải thực hiện bằng hình thức hợp đồng theo thông lệ của thương mại quốc tế, với các điều khoản về giao dịch và giải quyết tranh chấp được thống nhất chặt chẽ, có tính ràng buộc cao.

DN Việt muốn chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu; cập nhật thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu cũng như những quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương. Đặc biệt, tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức, hiệp hội tổ chức; cán bộ xúc tiến thị trường phải am hiểu tiếng Trung Quốc để thuận lợi trong công tác, giao dịch…

Bên cạnh đó, các DN Việt cần chủ động phối hợp với các nhà nhập khẩu Trung Quốc nghiên cứu và tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng. Trong trường hợp nhà xưởng, vùng trồng, bao bì đóng gói của DN chưa nằm trong danh sách được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố trên website của họ cũng như chưa thông báo với Bộ NN&PTNT để đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thì cần khẩn trương đăng ký.

“Các DN trong nước cũng nên tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là những sản phẩm như: thực phẩm, nông sản, thủy sản... vì đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về vấn đề kiểm dịch” - ông Đào Việt Anh cho hay.

Mặt khác, DN Việt cũng cần nâng cao nhận thức, xác định Trung Quốc là thị trường trọng điểm và ứng xử như với thị trường EU, Bắc Mỹ… Tìm hiểu thật kỹ, thường xuyên cập nhật thị trường, các khu vực thị trường, vì Trung Quốc rất rộng lớn, các vùng có nhu cầu khác nhau. Ngoài ra, tổ chức các thị trường nông sản, trọng tâm trọng điểm theo quy mô lớn, công nghiệp, chất lượng đồng đều. Thay đổi thói quen giao dịch, xuất khẩu tiểu ngạch sang thương mại chính quy, phù hợp thông lệ quốc tế. Đặc biệt, nắm bắt xu hướng, trào lưu sử dụng thương mại điện tử trong tiêu dùng của người Trung Quốc. Đây đã và sẽ là trào lưu chính của người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian tới.

Hiện, Trung Quốc là thị trường đông dân nhất thế giới với 1,3 tỷ người và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. “Núi liền núi, sông liền sông”, khoảng cách và thời gian vận chuyển ngắn, chi phí vận chuyển và bảo quản thấp sẽ giúp Việt Nam có lợi thế hơn bất cứ đối thủ cạnh tranh nào ở thị trường này. Vì vậy, việc khôi phục và tiếp tục gia tăng thị phần tại Trung Quốc được Chính phủ coi là điều kiện tiên quyết để duy trì nhịp độ tăng trưởng của nông nghiệp trong những năm tới. DN Việt cần có những động thái tích cực hơn để vượt rào cản, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bền vững.

Tuyết Vân