KINH TẾ

Xuất khẩu hàng dệt may đối mặt nhiều thách thức

  • Tác giả : Hữu Thông
(khoahocdoisong.vn) - Tình hình sản xuất, xuất khẩu dệt may trong những tháng đầu năm 2021 đã khởi sắc. Nhưng ngành dệt may tại TPHCM cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ.

Đơn hàng tăng, nhưng doanh thu giảm

Mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020, với tốc độ tăng cao nhất trong 10 năm qua.

Tại TPHCM, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của thành phố tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,9% và nhập khẩu tăng 27,7%. Đáng chú ý, khu vực FDI được xem là động lực chính trong tăng trưởng XNK của thành phố, với kim ngạch xuất khẩu tăng 20,5% và nhập khẩu tăng 11,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, ở một số ngành, cụ thể là dệt may, doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, gây ảnh hưởng, sụt giảm doanh thu trong hoạt động xuất khẩu.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, đơn hàng may mặc đã tăng trở lại, tuy nhiên các mặt hàng xuất khẩu chính trong thời gian này vẫn tập trung vào sản phẩm cơ bản, giá tương đối rẻ và sản phẩm dệt kim. Lý do là xu thế tiêu dùng của may mặc thế giới đã thay đổi nhiều trong đại dịch Covid-19.

Các mặt hàng veston, sơ mi, quần âu, vốn là thế mạnh của may mặc Việt Nam bị suy giảm mạnh nhất. Như veston giảm 70%, quần âu 45%, sơ mi giảm 30%. Trong năm 2021, các mặt hàng chủ lực này sẽ có sự phục hồi nhất định so với 2020, nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp may.

Một doanh nghiệp tại quận 12 (TPHCM) cho hay, trong quý 1/2021, lượng đặt hàng sản xuất của công ty tăng nhưng doanh thu giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm quý 3, 4/2020 tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi nên để đảm bảo duy trì sản xuất, doanh nghiệp đã nhận một số đơn hàng có mức giá gia công thấp hơn so với năm 2019. Cùng với đó, mặt hàng veston có giá trị cao bị giảm sản lượng và doanh thu tới 60% buộc doanh nghiệp phải thay thế bằng mặt hàng khác.

“Hiện nay, đơn hàng jacket, quần âu, sơ mi đã có đơn đến tháng 8/2021, riêng veston là mặt hàng chủ lực thì vẫn chưa có đủ hàng để đáp ứng năng lực sản xuất, hiện chỉ đạt 50%. Do phải chuyển đổi sản xuất mặt hàng khác giá trị thấp hơn thay thế như dệt kim, quần áo, quần áo trẻ em… nên ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và doanh thu" - doanh nghiệp này cho hay.

Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đối mặt với nhiều thách thức do dịch Covid-19 tái bùng phát.

Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đối mặt với nhiều thách thức do dịch Covid-19 tái bùng phát.

Những thách thức không nhỏ

Hiện, chi phí logistics của Việt Nam đang rất cao, đặc biệt là chi phí thuê container rỗng. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, giá thuê container hiện đã tăng gấp 5 lần so với năm ngoái. Đó là chưa kể, hàng loạt đơn hàng sản xuất ra gần đây vì thiếu container xuất khẩu dẫn tới ách tắc lưu thông, chậm tiến độ giao hàng cho đối tác.

Tại châu Âu, nơi thị trường xuất khẩu chính của hàng may Việt Nam, dịch Covid-19 vẫn hoành hành. Tại Mỹ, số người mắc bệnh vẫn tăng dù có vaccine. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp không tuyển bổ sung được lao động để hoàn thành các đơn hàng và mục tiêu doanh thu bởi may mặc cũng đòi hỏi lao động có tay nghề… Trong khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 và diễn ra ngày càng phức tạp tại TPHCM đã và đang tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Trước bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực để ứng phó với khó khăn.

Tại Vinatex, khi đợt dịch mới bùng phát, tập đoàn đã gửi công văn nhắc nhở các doanh nghiệp thành viên triệt để thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch. Toàn bộ hệ thống các đơn vị trong Tập đoàn đã nâng báo động lên mức cao nhất về tình hình lây lan. Công tác thông tin tuyên truyền từ trên xuống dưới và trong nội bộ các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh, để người lao động tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc 7K trong doanh nghiệp và trong cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức của người lao động trong phòng chống dịch ở cả nơi họ sinh sống. Công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo cập nhật thông tin dịch bệnh được tiến hành hàng ngày…

Một lãnh đạo Vinatex cho biết, hiện tập đoàn này cùng các đơn vị thành viên đã xây dựng kịch bản và áp dụng kịch bản ứng phó với đại dịch Covid-19 lần thứ 4, không lơ là chủ quan vì làn sóng dịch Covid-19 lần này hết sức phức tạp, mức độ nguy hiểm của chủng dịch Covid-19 phát hiện ở Ấn Độ gây tử vong cao gấp 15 lần, có tốc độ lây lan nhanh trong cộng đồng.

"Nếu như chẳng may có doanh nghiệp nào đó có công nhân bị dương tính với Covid-19, hoặc công nhân sống trong vùng có dịch bị phong tỏa, không thể sản xuất được, thì thiệt hại cho doanh nghiệp rất lớn. Vì hiện nay, các doanh nghiệp đều đã ký hợp đồng tới quý 3/2021, do đó, nếu vì phong tỏa, không có công nhân đi làm, sản xuất đình trệ, các hợp đồng đã ký không thực hiện được đúng hạn, doanh nghiệp sẽ mất tiền gia công, mất hợp đồng, mất khách hàng và mất cả uy tín mà doanh nghiệp từng rất khó khăn mới tạo dựng được”, ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinatex nhận định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều. Ngoài ra, chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm...

Do đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến cáo, doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Hữu Thông